Các bệnh viện phía Nam thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết

Các bệnh viện phía Nam thiếu cao phân tử Dextran, HES 200.000 chuyên dùng chống sốc.

Ngày 22/6, Cục Quản lý khám Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn khi thiếu dung dịch cao phân tử HES 200.000, Dextran 40 để chống sốc sốt xuất huyết. Trong khi đó tại phía Nam dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát, nhưng hầu hết các tỉnh thành thiếu hai loại dịch truyền này.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết đơn vị đang thiếu dịch truyền Dextran do nhà cung cấp không còn, phải chờ thêm 6 tháng; còn thuốc dự trù từ năm 2021 đã hết hạn, phải hủy bỏ.

Các bệnh viện phía Nam thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết

Hiện bệnh viện phải thay thế Dextran bằng dung dịch cao phân tử khác là HES 130.000 kết hợp albumin. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án "chữa cháy" trong tình huống khẩn cấp. 

Sốc sốt xuất huyết là một biến chứng nặng của sốt xuất huyết, với biểu hiện tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, tiểu ít, nổi vân tím... Khi người bệnh vào sốc, nhân viên y tế phải xử trí chống sốc ngay, trong đó có truyền cao phân tử.

Các dung dịch cao phân tử được áp dụng để điều trị sốc sốt xuất huyết gồm Dextran 40, Dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tuy nhiên, trước thực tế thiếu các dung dịch trên, các chuyên gia đề xuất sử dụng HES 130.000 daltol 6% hoặc Gelatin succninylated 4% thay thế.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, HES 200.000 đã ngừng sản xuất trên thế giới, trong khi Dextran 40 và Dextran 70 chưa được cấp phép lưu hành hoàn toàn tại Việt Nam.

Năm 2020, Cục đã cấp giấy phép khẩn cấp cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1) nhập khẩu 50.000 túi dịch truyền Dextran 40 để phục vụ điều trị sốt xuất huyết. Thực tế, CPC1 đã nhập 9.000 túi, hiện còn tồn kho gần 3.500 túi đã hết hạn sử dụng, đang chờ hủy.

Hiện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã hướng dẫn thay thế Dextran bằng dịch HES 130.000 dalton trong điều trị; đề nghị các bệnh viện tiếp nhận thuốc cận hạn, hạn dưới ba tháng; dự trù mua sắm, ký hợp đồng từ 6 tháng trước khi bắt đầu thời điểm dịch bệnh để có nguồn hàng cung ứng kịp thời. Ngoài ra, Cục sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với công ty Thái Lan để nhập thuốc nhanh.

Thanh Mai