Ngày 1/4, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, Luật Căn cước chính thức có hiệu thi hành kể từ ngày 1/7/202 thay thế Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014. Luật chính thức đổi tên gọi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1 đến trước ngày 30/6 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6.
Ảnh minh họa |
Còn các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Riêng chứng minh nhân dân dù còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12.
Theo điều 9 Luật Căn cước quy định, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm 26 trường thông tin được thu thập, cập nhật.
Trong đó, bên cạnh các trường thông tin vẫn đang được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân…còn có một số nhóm thông tin mới so với hiện tại. Đó là, số định danh cá nhân, họ tên khác, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử…
Bên cạnh đó, các thông tin được chia thành hai nhóm. Cụ thể:
Nhóm thứ nhất là thông tin của công dân bắt buộc phải thu thập gồm: Họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh…
Các thông tin này dùng để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư.
Nhóm thứ hai là các thông tin còn lại gồm: Quê quán; dân tộc, tôn giáo; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu; số định danh cá nhân; họ tên khác; số chứng minh nhân dân 9 số; số điện thoại di động; email (hòm thư điện tử)… là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi số của Đề án số 06.
Công dân có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và được bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại.
Bên cạnh đó, Luật Căn cước còn bổ sung thông tin sinh trắc học nhiều thông tin khác của công dân.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp... Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đặc biệt, đã cho phép công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu.
Lý giải về sự cần thiết của việc thu thập, cập nhật các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết, đối với nhóm thông tin về hộ tịch và thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… cần có để phục vụ việc xác định về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, thông tin địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân…
Đối với thông tin về nhóm máu để phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển, dự phòng y tế…
Đối với thông tin về số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử để bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân (giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách, cung cấp tin tức phòng chống tội phạm, xử lý tình huống đột xuất, phức tạp về quốc phòng, an ninh…); để thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước…
Những ai có căn cước công dân cần biết rõ điều này, không cẩn thận có thể mất Tết
Người dân khi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng CCCD gắn chip có thể bị phạt, thậm chí bị xử lý hình sự.