Cách cô gái 29 tuổi "tiết kiệm không cần nỗ lực": Một cuộc sống "gọn gàng"

Thời gian biểu mỗi ngày của Ayakomi chi tiết đến từng phút, không có bất kỳ “một khoảng thời gian chết” nào.

Không phải tối giản hay tiết kiệm, "ngăn nắp" mới là từ mà Ayakomi dùng để miêu tả về cuộc sống hiện tại của mình. Cô nàng độc thân 29 tuổi này cho biết: "Tôi luôn coi cuộc sống của mình giống như một căn phòng thu nhỏ. Điều khác biệt chỉ là những thứ tôi cần sắp xếp không phải là quần áo, giường tủ, bát đĩa,... mà chính là những khía cạnh vô hình nhưng lại vô cùng quan trọng trên hành trình phát triển bản thân".

Cách cô gái 29 tuổi

Sau đó, Ayakomi đã tiết lộ 3 "khía cạnh vô hình" mà cô đã thành công sắp xếp để có một cuộc sống ngăn nắp, chỉn chu như hiện tại: Sức khỏe, thời gian và những ham muốn vô bổ.

1 - "Mọi thứ đều trở nên vô nghĩa nếu mình không có sức khỏe"

Không giống như nhiều người trẻ khác, Ayakomi có ý thức giữ gìn sức khỏe từ rất sớm. Năm 12 tuổi, Ayakomi đã trải qua một cú sốc khi anh trai cô đột ngột qua đời ở độ tuổi 20, sau một trận cảm lạnh vì tắm lúc nửa đêm.

Sự kiện đau lòng ấy đã vô tình giúp Ayakomi hình thành ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân. Cô không bao giờ tắm sau 8h tối, không bao giờ thức quá 10h30 đêm, hiếm khi nào ăn đồ ăn nhanh và đồ ngọt. Thức uống yêu thích của Ayakomi luôn là nước lọc hoặc các loại nước ép trái cây, rau củ nguyên chất. Cô cũng tự nấu ăn 3 bữa/ngày và luôn chỉ trung thành với các món hấp hoặc nướng.

Cách cô gái 29 tuổi

Ayakomi đi khám sức khỏe tổng quát 6 tháng 1 lần. Vào tháng 12 mỗi năm, cô sẽ thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư. Thói quen này đã được Ayakomi duy trì từ năm 23 tuổi - khi cô kiếm được những đồng lương đầu tiên.

"Tôi luôn tin rằng mọi thứ đều trở nên vô nghĩa nếu mình không có sức khỏe. Thậm chí, niềm tin ấy càng trở nên thấm thía hơn sau khi tôi đi viếng đám tang của một người đồng nghiệp. Anh ấy qua đời ở độ tuổi 36 vì ung thư dạ dày" - Ayakomi chia sẻ.

2 - Học cách quản lý thời gian để không phải ước một ngày có 48 tiếng

Thời gian biểu một ngày của Ayakomi chi tiết tới từng phút. Buổi sáng, cô sẽ thức dậy vào lúc 6h30 rồi dành 30 phút để hành thiền. Sau khi đã hoàn thành việc vệ sinh cá nhân, cô sẽ đi ép nước rau củ, trái cây và luộc 1 quả trứng. Đó là bữa sáng của Ayakomi.

Vào lúc 8h sáng, Ayakomi sẽ tới cửa hàng bán đồ gốm của mình để làm việc. Tới 17h, cô từ cửa hàng về nhà. Ayakomi luôn ăn tối trước 19h để duy trì một vóc dáng cân đối. Sau khi hoàn thành việc vệ sinh cá nhân, chăm sóc cơ thể, Ayakomi ngồi vào bàn làm việc từ 20h - 22h. Sau đó, cô sẽ đi ngủ vào lúc 22h15 hoặc 22h30.

"Nếu cảm thấy khó ngủ, tôi sẽ ngồi thiền hoặc đọc sách thay vì lướt mạng xã hội".

Ayakomi cho biết cô không bao giờ dùng thời gian của mình một cách vô nghĩa. Thậm chí, cô còn luôn tìm cách để có thể tận dụng những "khoảng thời gian chết": "Trên đường đi làm, trong lúc nấu ăn hoặc khi tắm, tôi sẽ tranh thủ nghe podcast hoặc nghe tin tức để biết điều gì đang xảy ra ngoài kia. Dù sao đó đều là những khoảng thời gian chết, tranh thủ nghe tin tức, cập nhật thêm chút kiến thức bổ ích cũng rất hay".

Ayakomi còn tiết lộ thêm một thói quen khác giúp cô không phung phí thời gian cho những hành động vô bổ: Thói quen độc thoại.

"Tại sao mình lại dành 30 hoặc 45 phút mỗi ngày để hành thiền? Vì việc đó giúp mình bắt đầu ngày mới với năng lượng tích cực hơn, ok, điều đó xứng đáng với 30-45 phút của mình.

Xem một bộ phim dài 90 phút ư chỉ để giải trí ư? Không, điều đó thật vô nghĩa. Mình nên đi dọn nhà, giặt quần áo thì hơn" - Ayakomi giải thích về thói quen độc thoại của mình.

3 - Từ bỏ ham muốn vật chất, có thể tiết kiệm mà không cần nỗ lực

Tất cả những gì mà Ayakomi biết về khái niệm "ham muốn vật chất", "tiêu dùng quá đà", "nghiện mua sắm",... đều chỉ là qua báo đài. Bản thân Ayakomi chưa từng có bất cứ trải nghiệm nào với những khái niệm đó.

Cách cô gái 29 tuổi

"Tôi thường chỉ mua quần áo khi thực sự không còn gì để mặc, theo đúng nghĩa đen - là khi chúng bị bung chỉ, sờn rách hoặc bai nhão, mất form. Tương tự với giày và túi xách hay cả đồ dưỡng da. Tôi thực sự không cần nỗ lực hay gò ép bản thân quá nhiều để có thể làm được như vậy. Khoản tiền tôi tiêu nhiều nhất có lẽ là tiền đi khám sức khỏe và tiền mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần" - Ayakomi khẳng định.

Cô nàng độc thân 29 tuổi này còn cho biết thêm bản thân chưa bao giờ lo "trông mình bị lỗi mốt" vì cô luôn chỉ mua những món đồ với form dáng cơ bản, không bao giờ lỗi thời như áo phông, quần jeans ống đứng, giày thể thao,...

Ngọc Linh

Thế hệ 8x (1980 - 1989) cần phải tiết kiệm bao nhiêu để đạt được “sự an tâm tuyệt đối”?

Thế hệ 8x (1980 - 1989) cần phải tiết kiệm bao nhiêu để đạt được “sự an tâm tuyệt đối”?

Thế hệ 8x là những người đang phải gánh trên trách nhiệm chăm sóc cho 3 thế hệ: Bố mẹ - con cái - chính bản thân mình.