Tấm Cám là cái tên quá quen thuộc với khán giả Việt khi là câu chuyện cổ tích được học từ những ngày thơ bé, ai cũng thuộc nằm lòng. Vì thế mà phiên bản điện ảnh mang màu sắc kinh dị Cám tạo được nhiều sự thích thú, tò mò. Song, cũng có không ít ý kiến lo sợ phim sẽ rơi vào lối mòn “đầu voi đuôi chuột” như nhiều tác phẩm khác.
Trailer phim Cám |
Phản ứng trái nhiều sau trailer Cám
Hôm 9/9, trailer Cám chính thức trình làng và hé lộ nhiều nội dung mới lạ, kinh dị so với truyện cổ tích. Hóa ra, Cám (Lâm Thanh Mỹ) sinh ra đã dị dạng và bị cha là ông Hai Hoàng (Quốc Cường), mẹ (Thúy Diễm) lẫn dân làng xa lánh. Tấm (Rima Thanh Vy) là người duy nhất thương em gái. Thế nhưng, ông Hai Hoàng còn có một thân phận khác là kẻ chuyên chủ trì những buổi hiến tế trinh nữ.
Có vẻ như Cám bị chính cha ruột đem đi hiến tế. Thay vì gặp ông bụt, Cám lại chạm mặt nữ quỷ có ba mắt. Từ đó mà nhân vật mang sức mạnh ma quỷ và bắt đầu tàn sát dân làng để trả thù. Ngoài ra, nhiều nhân vật và chi tiết bí ẩn vẫn chưa được làm rõ để khán giả thêm tò mò khi ra rạp. Phim cũng bị dán nhãn T18 vì nhiều hình ảnh máu me, rùng rợn.
Phản ứng của người xem dành cho trailer Cám đa phần là tích cực. Nhiều bình luận khen phim ghê rợn và đáng mong đợi. Số khác bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa đủ 18 tuổi để đến rạp. Một bộ phận không nhỏ khán giả thích thú với những thay đổi của phiên bản kinh dị. Nhiều giả thuyết được đặt ra xoay quanh nhân vật Bờm (Trần Doãn Hoàng), không rõ liệu nhân vật có tình cảm với Cám hay chỉ là “trap boy”, người giả dạng bụt phải chăng chính là ác quỷ.
Song song đó, có không ít ý kiến cho rằng nhà sản xuất chưa dám “chơi tới” khi vẫn để Tấm là người hiền lành, thương em chứ không biến thành ác quỷ. Một vài bình luận e dè phim “đầu voi đuôi chuột”, làm không đến với cái kết lãng xẹt quen thuộc.
Phim kinh dị Việt có thật sự “đầu voi đuôi chuột”?
Là một đất nước châu Á có nhiều truyền thuyết về tâm linh, tín ngưỡng dân gian, Việt Nam bùng nổ dòng phim kinh dị từ rất sớm, tận thập niên 1930 với những Cánh đồng ma (1937), Cô Nga dạo thị thành (1939), Khúc khải joàn và Toét sợ ma (1940)... Đạo diễn Lương Đình Dũng từng tiết lộ lý do các đạo diễn thích làm phim kinh dị là vì siêu lợi nhuận và kinh phí không quá cao.
Đoạt hồn (2014) của đạo diễn Hàm Trần từng thu 12 tỷ đồng chỉ trong 4 ngày. Quả tim máu (2014) của Victor Vũ ẵm 55 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày. Pháp sư mù (2019) của Huỳnh Lập thu 59 tỷ đồng, Thất sơn tâm linh (2019) là 50 tỷ, còn Bắc kim thang là 42 tỷ đồng. Gần đây, Quỷ cẩu (2023) vượt mốc 100 tỷ còn Ma da (2024) có Việt Hương đóng chính đạt hơn 123 tỷ. Song, “cuộc chơi” không hề ngon ăn chút nào.
Thiên Linh Cái khi ra rạp đã đổi tên thành Thất Sơn Tâm Linh vì phải chỉnh sửa quá nhiều |
Các bộ phim kinh dị Việt phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao mới có thể ra rạp. Phim không được quá ghê rợn, máu me hay truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan… Mười (2007) từng bị cắt 4 - 5 đoạn hù dọa khi chiếu ở Việt Nam khiến chất lượng phim giảm đi đáng kể. Rừng xác sống (2014) của đạo diễn Lê Văn Kiệt từng bị cấm chiếu vì những lý do trên. Thiên linh cái phải chỉnh sửa rất nhiều phân đoạn đến mức nhà sản xuất đổi tên phim thành Thất sơn tâm linh vì không còn giống với ý tưởng ban đầu.
Cũng vì kiểm duyệt mà nhiều phim kinh dị Việt không được để kết mở hay cho thế lực tà ác chiến thắng. Vì thế mà các nhà làm phim buộc phải nghĩ ra cách “tiêu diệt” con ma rất gượng gạo. Thậm chí, nhiều người phải “lách” bằng cách cho tất cả chỉ là một giấc mơ hay chiêu trò của con người. Nhiều tác phẩm đi theo hướng này như Quả tim máu, Thiên thần hộ mệnh (2020) hay Hạnh phúc máu (2022)...
Đây chính là lý do khiến phim kinh dị Việt luôn bị chỉ trích là “đầu voi đuôi chuột”. Khán giả ra rạp xem phim kinh dị với mong muốn được sợ, được hú hét, được chứng kiến con ma hù dọa, giết người. Thế nhưng cuối cùng thì tất cả chỉ là “cú lừa”, ma không tồn tại hay bị tiêu diệt chóng vánh. Vậy thì còn gì để phải sợ nữa?
"Cám" liệu có làm nên chuyện?
Trong thời gian gần đây, quá trình kiểm duyệt ở Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể với hệ thống phân loại độ tuổi rõ rệt. Những bộ phim xếp hạng T18 (dành cho khán giả đủ 18 tuổi trở lên) sẽ không bị chỉnh sửa nhiều. Ví dụ cụ thể nhất là Deadpool & Wolverine, The First Omen hay Alien: Romulus, Longlegs: Thảm kịch dị giáo đều có nhiều cảnh máu me, bạo lực nhưng đều được giữ nguyên thời lượng.
Ma da có sự xuất hiện của ma thật và cuối phim thì nó vẫn tồn tại, tạo tiền đề cho phần hai là một điều hiếm thấy đối với điện ảnh Việt. Đây là cơ hội lớn để đạo diễn Trần Hữu Tấn có thể “làm nên chuyện” với Cám. Người hâm mộ không còn xa lạ gì với nhà làm phim này qua các tác phẩm như Bắc kim thang, Rừng thế mạng (2021), Chuyện ma gần nhà (2022) hay Kẻ ăn hồn (2023). Các bộ phim của anh đều chỉn chu về mặt hình ảnh, bối cảnh. Yếu tố kinh dị thì còn nhiều hạn chế.
Song, với việc Cám dán nhãn T18 là một minh chứng cho thấy Trần Hữu Tấn đã “chơi tới bến” với bộ phim này. Qua trailer, khán giả cũng có thể thấy không ít những cảnh kinh dị, máu me nặng đô hơn hẳn các phim trước của anh. Không những thế, phim dường như còn che giấu rất nhiều bí ẩn. Tấm của Rima Thanh Vy cũng chưa hẳn là người tốt. Bởi lẽ, nữ diễn viên sinh năm 1995 từng thể hiện hình ảnh nhân vật bị ma ám trong Mười: Lời nguyền trở lại (2022) rất mượt. Khả năng cao phim sẽ có ma quỷ thật với cái kết được xử lý khéo léo hay thậm chí kết mở thay vì phải chỉnh sửa như trước kia.
Ngoài ra, phần bối cảnh và tạo hình nhân vật mang đậm nét văn hóa Việt Nam xưa, cũng như những lễ hội, phiên chợ gần gũi trong phim cũng là một điểm nhấn đáng mong đợi. Hồi năm ngoái, Kẻ ăn hồn hay series Tết ở làng địa ngục của Trần Hữu Tấn từng rất thành công trong việc lồng ghép và truyền bá văn hóa, hình ảnh đám cưới chuột đến với khán giả.
Nhìn chung, Cám là một dự án điện ảnh hứa hẹn với nhiều sự thay đổi trong cách tiếp cận lẫn kiểm duyệt đối với phim kinh dị Việt. Với những ai còn nghi ngờ tác phẩm thì ngày 20/9 tới đây sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Dàn sao Việt chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt, bão số 3
Nghệ sĩ Việt lan toả tinh thần "lá lành đùm lá rách" giữa lúc xảy ra bão, lũ.