Căng thẳng với Trung Quốc khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan trở nên chặt chẽ hơn?

Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng cường quan hệ thương mại song phương trong bối cảnh mối quan hệ của cả hai với Trung Quốc đang ngày càng xấu đi.

Hôm thứ Tư (17/8), phía Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu đàm phán chính thức với Đài Loan về một sáng kiến thương mại toàn diện mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với vùng lãnh thổ này.

Đây là sự ủng hộ mới nhất mà Washington dành cho Đài Bắc trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng xấu đi.

Mỹ và Đài Loan đã công bố kế hoạch hợp tác thương mại toàn diện và đầu tư chặt chẽ hơn vào tháng 6 năm nay..

Tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán được đưa ra vài tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Biden loại Đài Loan khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF). IPEF bao gồm 13 quốc gia nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và được thiết kế nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Giống như IPEF, các cuộc đàm phán với Đài Loan có thể sẽ không bao gồm việc giảm thuế quan hoặc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu mùa thu, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan, John Deng, cho biết ông hy vọng điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến một hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Mối quan hệ thương mại Mỹ- Đài Loan mạnh như thế nào?

Mỹ hiện không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức chặt chẽ với Đài Bắc.

Washington cũng là người ủng hộ an ninh quan trọng nhất của hòn đảo, cung cấp các thiết bị quân sự quan trọng cho Đài Bắc để tự vệ.

Cả hai bên đều có quan hệ thương mại đáng kể. Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa trị giá 114,1 tỷ USD vào năm 2021, theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ.

Căng thẳng với Trung Quốc khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan trở nên chặt chẽ hơn? - Ảnh 1.

Căng thẳng với Trung Quốc khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan trở nên chặt chẽ hơn.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Đài Loan sang Mỹ bao gồm máy móc điện, chất dẻo và các sản phẩm sắt thép, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy.

Hòn đảo, nơi sinh sống của khoảng 23 triệu người, có GDP khoảng 700 tỷ USD/năm.

Đài Loan cũng là một cường quốc xuất khẩu và sản xuất chip toàn cầu, chiếm vị trí chủ chốt trong chuỗi cung ứng công nghệ.

Hơn 90% chất bán dẫn tiên tiến dưới 10 nanomet - được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, từ điện thoại di động, máy tính xách tay đến ô tô và tên lửa - được sản xuất trên hòn đảo này, theo Boston Consulting Group. Các công ty Đài Loan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế, đóng gói và thử nghiệm chip.

Đài Loan cũng là nhà cung cấp chất bán dẫn chính cho các công ty Mỹ.

Nhìn chung, năm 2021, các doanh nghiệp Đài Loan trong tất cả các lĩnh vực đã nhận được khoảng 200 tỷ USD đơn đặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Những vấn đề gì cản trở các mối quan hệ lâu nay?

Tuy nhiên, có một số tác nhân cản trở các liên kết thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn.

Các tác nhân đó bao gồm các rào cản của Đài Loan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như thịt heo, gạo và hàng hóa biến đổi gen, cũng như mức thuế cao đối với các mặt hàng như xe máy.

Căng thẳng với Trung Quốc khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan trở nên chặt chẽ hơn? - Ảnh 2.

Biểu đồ quan hệ thương mại giữa My và Đài Loan.

Washington cũng đang thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường Đài Loan nhiều hơn đối với các công ty Mỹ, loại bỏ các rào cản phi thuế quan và bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Các cuộc đàm phán theo kế hoạch hiện nay có thể sẽ cố gắng tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn về các vấn đề giữa hai nền kinh tế.

Hôm thứ Tư, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết các cuộc đàm phán sẽ bao gồm nông nghiệp, lao động, môi trường, công nghệ kỹ thuật số, tình trạng của các doanh nghiệp nhà nước và "các chính sách phi thị trường".

Đài Loan đang tìm cách thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc?

Bắc Kinh đã đưa ra thông báo mới nhất và kêu gọi Washington ngừng can dự với Đài Bắc và "ngừng đưa ra những đánh giá sai lầm".

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đài Loan, với hơn 40% hàng hóa xuất khẩu của hòn đảo này đến Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2021. Và khoảng 22% hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đài Loan cũng nằm trong số các nhà đầu tư hàng đầu tại đại lục, với các công ty như Hon Hai Precision Industry - thường được gọi là Foxconn, công ty lắp ráp iPhone cho Apple cũng như cung cấp các thiết bị cho nhiều thương hiệu toàn cầu hàng đầu - vận hành các nhà máy và sử dụng hàng trăm nghìn công nhân ở đại lục.

Căng thẳng với Trung Quốc khiến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan trở nên chặt chẽ hơn? - Ảnh 3.

Biểu đồ quan hệ thương mại giữa Đài Loan và các nền kinh tế khác.

Theo chính phủ Đài Bắc, từ năm 1991 đến cuối tháng 5 năm 2021, các công ty Đài Loan đã đầu tư khoảng 194 tỷ USD trong tổng số 44.577 dự án của Trung Quốc.

Nhưng trong những năm gần đây, khi căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, Trung Quốc đã cố gắng gây ra khó khăn cho kinh tế Đài Loan bằng cách cắt giảm du lịch đến Đài Loan và tìm cách loại Đài Loan trong thương mại quốc tế, cùng nhiều thứ khác.

Và, để trả đũa cho chuyến thăm cấp cao gần đây đến Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu cam quýt, cá và hàng trăm sản phẩm thực phẩm khác của Đài Loan.

Bắc Kinh cũng cấm xuất khẩu cát sang Đài Loan, nguyên liệu mà ngành xây dựng phụ thuộc vào rất nhiều.

Nhưng chính phủ Trung Quốc đã không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với dòng vi mạch hoặc chất bán dẫn, những thành phần cần thiết của các nhà máy ở Trung Quốc.

Chính phủ của Tổng thống Tsai Ing-wen đã và đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế Đài Loan nhằm thoát khỏi khỏi Trung Quốc đại lục. Đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ giúp Đài Bắc đạt được mục tiêu đó.

Thỏa thuận Mỹ-Đài cũng có thể thúc đẩy các nước khác bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại tương tự với Đài Bắc.

Hơn nữa, nó có thể đưa nền kinh tế Đài Loan phù hợp hơn với nền kinh tế của các nước IPEF.

Matthew Goodman, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, nói với Reuters vào tháng 6 rằng, có sự trùng lặp nội dung đáng kể giữa sáng kiến Đài Loan và IPEF.

"Tôi nghĩ là hợp lý khi kết luận rằng, vâng, chính quyền Mỹ đang xem sáng kiến này với Đài Loan như một con đường song song", Goodman nói và cho biết thêm rằng các quan chức Mỹ không có khả năng nhấn mạnh nó một cách công khai.

N.MINH