Châu Âu có thể trở thành 'Vũ Hán thứ 2'

Ngày 13/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong một cuộc họp báo tại Geneva, ông Ghebreyesus cho biết số người nhiễm bệnh và các ca tử vong được báo cáo mỗi ngày ở châu Âu nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, và châu Âu hiện đã là “trung tâm” mới của đại dịch toàn cầu COVID-19.

Tổng giám đốc WHO cảnh báo châu Âu có thể trở thành Vũ Hán thứ 2.
Tổng giám đốc WHO cảnh báo châu Âu có thể trở thành Vũ Hán thứ 2.

Ông nhấn mạnh số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người và “đây là một cột mốc bi thảm”. Trong bối cảnh các quốc gia ở châu Âu và thế giới đưa ra các biện pháp mới mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch, bao gồm đóng cửa trường học và thắt chặt biên giới, Tổng Giám đốc WHO cho rằng các biện pháp này có thể hữu ích, nhưng các quốc gia cần thực hiện một cách tiếp cận toàn diện.

Theo ông, cần thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp như kiểm tra, tìm kiếm, kiểm dịch, cách ly, không nên thực hiện từng biện pháp riêng lẻ. Các nước cần phải hành động nhiều hơn để phát hiện, bảo vệ và điều trị các trường hợp.

Ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia phải tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và xử lý mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh. Mỗi trường hợp được tìm thấy và được điều trị sẽ đều hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Tổng giám đốc WHO, bất kỳ quốc gia nào có suy nghĩ “dịch bệnh sẽ không xảy ra với chúng tôi” là đang phạm phải sai lầm “chết người”. Trong khi đó, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh, các biện pháp được gọi là "cách ly xã hội", trong đó có việc cấm tụ tập ở nơi công cộng và đóng cửa trường học, "không phải là liều thuốc chữa bách bệnh".

Trong khi đó, tại Scotland, nước này vừa ghi nhận ca đầu tiên tử vong do COVID-19. Bệnh nhân này đã cao tuổi và có bệnh nền. Bà Catherine, Giám đốc Y tế Scotland nêu rõ: "Bệnh nhân do Hội đồng Y tế Lothian - một tổ chức y tế Scotland đặt tại Edinburgh - điều trị là một người cao tuổi có bệnh nền".

Còn tại Italy, tính đến 18h ngày 13/3 (theo giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên đến 17.660 trường hợp. Trong đó, số ca dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2 là 14.955 trường hợp, tăng 2.116 ca so với ngày 12/3; số ca tử vong là 1.266 trường hợp, tăng 250 trường hợp; ngoài ra có 1.439 ca điều trị thành công, tăng 181 trường hợp.

Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli cho biết, trong tổng số các bệnh nhân mắc COVID-19, có 1.328 ca phải nhập viện điều trị đặc biệt, 7.426 trường hợp nhập viện với các triệu chứng nhiễm bệnh và 6.201 trường hợp cách ly tại nhà.

P.V

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương