Chổi sể tôi ơi!

Chổi, một công cụ để chúng ta làm công việc vệ sinh quét tước, đẩy đi những thứ rác rưởi bụi bặm trên một mặt phẳng kiến trúc hay thứ đồ nội thất nào đó.

Thế gian có nhiều loại chổi. Đầu tiên, quen thuộc nhất ở nước ta, sản phẩm phụ của “nền văn minh lúa nước” như các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tự phong, tất nhiên là chiếc chổi lúa. Những bông lúa nếp đã được tuốt hết hạt, để lại những cọng rơm đầu cuống dày những nhánh xờm. Anh nông dân khéo tay bện các cọng rơm đó lại, kết thành chiếc chổi lúa. Chổi lúa mềm, không chịu nước, thường chỉ dùng quét quáy ở trong nhà, nơi chỉ có những thứ rác nhỏ.

Quét những mặt bằng rộng, chịu được mọi thời tiết mưa nắng mà không hỏng, người ta dùng cây chổi sể. Cây sể mọc hoang dại rất phổ biến trên các đồi miền trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên…Những ai đã từng đạp xe lên hồ Đại Lải, thị trấn Xuân Hòa xưa, chịu khó đạp cỏ leo đồi sẽ thấy trong không gian có một mùi thơm cay dịu nhẹ của một loài cây hoang bị vô tình giày xéo. Đó là mùi tinh dầu lá cây sể. Những bụi sể hoa trắng, mọc từng cụm như bụi cỏ lớn lá kim, chen lẫn các loài sim, mua trên đồi đất khô cằn.

Hoa thanh hao hoa trắng, mùi hương xưa cũ dịu dàng.
Hoa thanh hao hoa trắng, mùi hương xưa cũ dịu dàng.

Tết những năm gần đây, tôi ra chợ hoa, thấy người ta bán những cây hoa với các tên gọi rất đẹp: cây “tuyết mai”, cây “thanh liễu”. Người lang bạt kỳ hồ tính tình mộc mạc đứng ngắm loài cây tên đẹp giữa mưa xuân, thấy chúng giống hệt các bụi sể năm xưa bị vặt trụi khi ngồi trên triền đồi, cạnh bạn gái trường Sư Phạm II Xuân Hòa mà không biết nói gì. Lá sể bị vặt không thương tiếc, tỏa mùi thơm tinh dầu mịt mù buổi chiều hôm ấy. Tưởng chỉ cần một que diêm trót bùng lên là rừng bạch đàn phòng hộ cháy, là đám cưới vội mùa hè.

Thử vặt trộm của cô hàng hoa một nhánh lá kim tuyết mai nhỏ vò trong tay. Mùi hương xưa cũ dịu dàng tỏa rộng, thương đến mủi lòng. Người cũ đã đi lấy chồng, chỉ còn hương cây thanh hao hoa trắng, tên khác của cây sể, là ở lại với đời. Mới hỏi cô hàng hoa: “Em ơi đây là cây chổi sể phải không em?”. Cô hàng hoa nguýt dài một điệu rõ xinh: “Kim tuyết mai của người ta lại đi bảo là cây chổi sể. Rõ là đồ hâm!”.

Thế mới biết, ở làng quê em tôi tên là Dịu, là Xoan, là Mơ hay là Luyến… nhưng khi lên phố thị đất kinh kỳ, em đã đổi tên thành những nghệ danh tuyệt mỹ: Mộng Hằng, Tú Nguyệt… tùy ý thích từng người. May bỗng một hôm, trên đường ra phố thị ngày xuân ấy, không gặp người yêu tôi ngày nào, như trong một bản boléro tình buồn anh Tuấn Vũ từng sướt mướt ca: “Cho trái tim tôi ngủ quên chuyện tình xưa lỡ làng…”.

Người yêu thanh hao, người yêu chổi sể của tôi giờ chẳng biết lưu lạc nơi nao?

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Cây thanh hao hoa trắng, cây kim tuyết mai, và bây giờ là cây chổi sể ấy, khi bị cảm sốt, khi nhà có đàn bà đẻ, người ta hay dùng ngay chổi này đốt dưới gậm giường, chõng nằm để xông ấm, để chữa bệnh. Một số địa phương dùng toàn thân (trừ bỏ rễ), hái cây về, phơi khô trong mát cho lá rụng hết, rồi dùng lá này cất tinh dầu, gọi là tinh dầu sể. Đôi người còn hái hoa cây sể phơi trong chỗ râm mát cho thật khô, dùng làm thuốc, dùng cho vào chum vại đựng đậu xanh hay tủ quần áo để tránh nhậy hay sâu bọ cắn hại.

Đã nói thì phải nói cho kiệt cùng số phận. Ông bà tôi mất, khi vừa đưa các cụ ra đồng, người ta đốt những cây chổi sể đùng đùng trong nhà, khua vào những tận cùng xó xỉnh ngõ ngách, để cho thơm ấm và để đuổi tà ma. Hẳn phải có lý do gì đó chứ không phải ngẫu nhiên mà cây chổi sể liên quan đến văn hóa tâm linh cả phương Đông lẫn phương Tây. Nhiều cụ bà mũi khoằm áo đen, nhà chân gà, quần chân què, vẫn nhảy lên cây chổi sể này cưỡi bay đi du hí, đến nhưng nơi du lịch tâm linh. Tất nhiên phải tra vào đấy cho nó một cái cán dài.

Hình ảnh cây chổi sể xuất hiện trong văn hóa tâm linh cả phương Đông lẫn phương Tây.
Hình ảnh cây chổi sể xuất hiện trong văn hóa tâm linh cả phương Đông lẫn phương Tây.

Chổi to, chổi đại, chổi cách mạng quét những nơi công cộng phải dùng chổi tre. Chổi tre xao xác hàng me của nhà thơ Tố Hữu, được làm từ những cật nan tre dài, chẻ mỏng bó chặt lại với nhau. Chổi tre này cứng và chịu được nhiều va đập, ma sát. Cô công nhân vệ sinh, người chủ nhân của thành phố ban đêm, đĩnh đạc vung chiếc chổi tre cán dài trên đường phố. Những nhát dài chổi vung phóng khoáng như đường đại đao Quan Vũ. Lá me lá sấu, lá xà cừ cùng tàn dư văn hóa Nhân văn Giai phẩm, chủ nghĩa Tư bản bóc lột, bị chổi tre lùa vào một đống, hót lên chiếc xe ba bánh mang đi đốt, làm phân xanh bón ruộng.

Thêm nốt mấy loại chổi cho đủ thành phần mặt trận vệ sinh. Ta có thêm chổi đót dùng quét, sơn vôi kiến trúc, chổi phất trần dùng phẩy bụi bàn ghế, hay phết vào mông mấy cô cậu lười học. Cây thiều chửu nhỏ cẩn trọng quét ban thờ. Lại có những loại “chổi” ảo, trong nhiều phần mềm đặc dụng quét virus, malware độc hại trong máy tính, điện thoại thông minh…vân vân…

Chỉ có em ngày xưa gieo rắc, đặt bày kỷ niệm trong hồn, quét gột mãi chẳng thể nào ra khỏi được.

Xuân Tùng

Gió lay cành trám

Gió lay cành trám

Biết bao món được chế biến từ trám, nhưng món nham trám Hoàng Vân vẫn nức tiếng xa gần, vừa đủ cầu kỳ lại hội đủ dư vị một miền đất đặng.