Da nó xù xì…

Không hiểu sao người ta hay bổ mít vào buổi trưa chứ không phải buổi sáng hay chiều tối. Dao phay sắc, bác trai lau qua hai mặt mỡ lợn để chống dính nhựa. Đặt trái mít chỉnh chện vào chiếc mâm đồng thau lót lá chuối, bác bổ một nhát quyết liệt dọc thân quả. Ổ trứng gà vàng óng mật, phơi ra đủ múi đủ xơ trong tiếng nuốt nước dãi ừng ực tụi trẻ con bâu hóng.

Ngọn gió phơn khùng hút kiệt mây cùng hơi ẩm, để lại bầu trời trống tênh gắt nắng chiều hè đã ra đi. Và những cơn mưa đã trở lại dạt dào trên ngói cũ. Cánh giại ngoài hiên ngái nồng hơi nước, bốc lên từ cái sân gạch Bát Tràng.

Thời tiết mát mẻ làm dịu mạch huyết áp người già, cho các nhà thơ nhiều hơn thổn thức và những người đang yêu thêm nỗi nhớ nhung. “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”. Hấp dẫn hơn cả xúc cảm thi nhân tình ái, một mùi thơm đặc biệt lan tỏa từ trái mít chín cây xếp ở góc hiên. Thì nhân trời mưa cùng nhau khảo thí trái mít, cho thơm nốt một ngày mưa tháng Sáu.

Mít phải chọn quả gai to, núm gai nông, phồng và đầu gai tù, không nhọn thì múi mít bên trong mới dày, ngọt và ít xơ.
Mít phải chọn quả gai to, núm gai nông, phồng và đầu gai tù, không nhọn thì múi mít bên trong mới dày, ngọt và ít xơ.

Mít mật mít dai, mười hai thứ mít. Giờ đủ các loại mít, nhất là mít Thái Lan người ta ưa trồng vì năng suất, nhưng ăn không ngon, sượng và thơm hắc như mùi hóa chất. Mấy cô bạn tôi dạy rằng mít phải chọn quả gai to, núm gai nông, phồng và đầu gai tù, không nhọn thì múi mít bên trong mới dày, ngọt và ít xơ. Bãi sa bồi ngoài đê sông Hồng tổng Vân Cốc, huyện Phúc Thọ xứ Đoài xưa có những cây mít trái lớn nặng hàng chục ki-lô-gram, đến mức không xếp nổi vào sọt xe thồ. Người ta phải làm cọc đỡ chống xiên cho trái khỏi đứt rụng cuống. Múi mít to như lòng bàn tay trẻ con, lòng múi chứa đầy nước mật.

Có anh kỹ sư nông nghiệp kia bảo rằng mít là loại quả phức, nhiều quả thật xếp gọn trong một quả giả, thuộc chi Chay, họ Dâu Tằm. Hoa mít là loại hoa đơn tính, thường hoa đực và hoa cái cùng ra cạnh nhau trên một cành. Hoa đực được bao trong bao đôi. Bao hoa đực hình ống, gồm hai cánh dính nhau ở đỉnh mà dân gian vẫn gọi là dái mít. Đương nhiên dái bao giờ cũng thuộc giống đực.. Không có dái mít thì chẳng bao giờ cây sinh ra những trái mít lúc lỉu, bám vào cành vào gốc như lợn con bú mẹ. Xong nhiệm vụ thụ phấn truyền giống, nếu không bị cô thôn nữ nào đó vặt dái chấm muối bỏ miệng, dái mít cũng sẽ tự rụng.

Không có dái mít thì chẳng bao giờ cây sinh ra những trái mít lúc lỉu, bám vào cành vào gốc như lợn con bú mẹ.
Không có dái mít thì chẳng bao giờ cây sinh ra những trái mít lúc lỉu, bám vào cành vào gốc như lợn con bú mẹ.

Khác với nhiều nickname trứ danh trên mạng xã hội, mít là trái giả, trái ảo nhưng mùi thơm thì rất thật. "Da cóc mà bọc trứng gà, bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn", một câu đố quá dễ dàng với những kẻ thích ăn quà vặt. Người lớn, đặc biệt là các nhà thơ nữ thì thâm hiểm, tai quái hơn, phiếm chỉ quảng cáo cho múi mít thành những thứ ai nghe cũng sướng: "Da nó xù xì múi nó dày, quân tử có thương thì đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay". Múi mít thơm này gây hậu quả hiểu nhầm nghiêm trọng, như trong chuyện kể có anh kia sờ trộm mít nhà người ta. Khi về bơi đứng qua sông chỉ bằng một tay, tay kia giơ lên không dám nhúng nước vì sợ mất mùi.

Nhớ mít xưa hồi về quê sơ tán bom Mỹ, mỗi lần bổ mít là một sự kiện trọng đại, khiến cả nhà rộn ràng. Ngày đẹp trời chiều về không buông nắng, bác chủ nhà ra cây mít vườn sau, lồng chiếc quang treo vào quả mít dai vĩ đại. Một nhát dao ngọt, trái mít rời cành nằm gọn trong quang. Bác dé chân trèo vững chãi trên cành, thòng dây thừng, thả từ từ trái mít xuống đất. Bác chặt bớt cuống, rồi đóng cái cọc xoan tày, rồi lăn ra phơi nắng trên sân gạch. Thằng bé sốt ruột ra vỗ cái bộp, vào vỗ cái bộp. Nghe khi bồm bộp tiếng mít và tỏa hương thơm mít ấy là khi mít chín, lại phải ngày mưa mát thì nó là hạnh phúc trong tầm với, trên cả triệu nỗi nhớ mong.

Không hiểu sao người ta hay bổ mít vào buổi trưa chứ không phải buổi sáng hay chiều tối. Dao phay sắc, bác trai lau qua hai mặt mỡ lợn để chống dính nhựa. Đặt trái mít chỉnh chện vào chiếc mâm đồng thau lót lá chuối, bác bổ một nhát quyết liệt dọc thân quả. Ổ trứng gà vàng óng mật, phơi ra đủ múi đủ xơ trong tiếng nuốt nước dãi ừng ực tụi trẻ con bâu hóng. Bác lấy nắm lá mướp già hái sẵn, lau sạch nhựa dính cuống, dính dao. Lá mướp ráp bén nhựa mít, chỉ một vài đường, nhựa mít quện chặt, ra đi sạch cùng nắm lá thần kỳ.

Những múi mít như ổ trứng gà vàng óng mật được phơi ra
Những múi mít như ổ trứng gà vàng óng mật được phơi ra

Sau khi lược sạch lõi cuống, các miếng mít nhanh chóng được phân rã như phản ứng hạch tâm. Trời ơi cái ngọt, cái giòn ổ “trứng gà” vùng phù sa châu thổ. Hết múi, bóc vét ăn đến cả những cái xơ mập, gọi là xơ cái. Phềnh bụng mít đứng lên, tìm thùng gạo, vọc tay vào cho cám dính đầy, rồi vê tay tẩy nhựa mít dính cám. Xong xuôi, mới đi rửa tay lại cho sạch. Lúc này mồ hôi, hơi thở, thậm chí nước đái cũng nồng nàn mùi mít chín.

Các chị còn ở lại, nhặt nốt các xơ cái, bóc bao lụa, tách hạt mít để phơi khô, tối rang dành đãi các anh đến nhà đốt đèn Hoa Kỳ tìm hiểu. Tụi trẻ con háu đói ném vùi mấy hạt mẩy vào ngay bếp tro rơm còn đang nóng rực. Cúi mặt lấy que cời cời, có cái hạt mít nổ tung cái bụp. Tro nóng văng tung, xót mù hết mắt.

Bác gái chủ nhà hiền hậu hiện lên vỗ về, dịu dàng xoa đầu hỏi sao con khóc? Thằng bé xa nhà, xa phố lâu ngày bỗng tủi thân, dụi đôi mặt đỏ hoe vào vạt áo quết trầu. Bác ơi, tại con nhớ mẹ con quá!

Xuân Tùng

Cách làm món gỏi mít non đơn giản mà ngon

Cách làm món gỏi mít non đơn giản mà ngon

Gỏi mít non là một món ăn kèm ngon miệng, đưa cơm rất dễ thực hiện cùng với các nguyên liệu đơn giản.