Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, Dow Jones tăng 350 điểm

Chỉ số S&P 500 khép phiên ở mức cao kỷ lục mới, khi cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm (15/2), sau khi phục hồi từ mức giảm mạnh phải gánh chịu hồi đầu tuần nay. Đây là mức cao kỷ lục thứ 11 mà chỉ số S&P 500 đạt được từ đầu năm đến nay.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,58%, đạt 5.029,73 điểm. Trước phiên này, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã có 10 lần lập kỷ lục đóng cửa trong vòng chỉ 1 tháng rưỡi qua.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,3%, đạt 15.906,17 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 348,85 điểm, tương đương tăng 0,91%, đạt 38.773,12 điểm.

Cổ phiếu Tesla và Meta Platforms vượt trội, lần lượt tăng 6% và 2%. Cổ phiếu Wells Fargo vọt 7% sau khi Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ chấm dứt hình phạt quan trọng đối với ngân hàng này.

Chi phối tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này là câu hỏi trạng thái thực chất của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại là gì? Tuy nhiên, các số liệu kinh tế công bố trong tuần chưa thể mang lại cho họ một câu trả lời rõ ràng.

Dữ liệu mới nhất từ sáng ngày thứ Năm cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 1 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn so với mức dự báo giảm 0,3% mà giới phân tích đưa ra. Số liệu doanh thu bán lẻ tháng 12 được điều chỉnh, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn con số đưa ra trong lần công bố sơ bộ.

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, Dow Jones tăng 350 điểm- Ảnh 1.

Các nhà giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: Reuters

Dữ liệu này khiến nhà đầu tư ít nhiều lo lắng về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu giảm chậm lại và lãi suất còn đang cao. Số liệu công bố trước đó trong tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao hơn so với dự báo.

Tuy nhiên, tin xấu về bán lẻ cũng được nhiều nhà đầu tư xem là tin tốt, vì củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh việc khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Phản ánh kỳ vọng này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống. 

Giá cổ phiếu nhờ đó cũng tăng, mặc cho mối lo rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không có được một cuộc hạ cánh mềm như nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cho tới gần đây.

"Số liệu bán lẻ không được như kỳ vọng, nhưng phù hợp với dự báo của chúng tôi là môi trường tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại khi bước sang năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho là tăng trưởng sẽ bền, đồng nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái vào giữa năm 2024", Giám đốc đầu tư Bill Northey của công ty US Bank Wealth Management nói với hãng tin Reuters.

Thị trường đang hồi phục sau phiên bán tháo ngày thứ Ba - phiên mà Dow Jones ghi nhận mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023, sau khi số liệu CPI nóng hơn dự báo khiến thị trường cắt giảm các đặt cược về giảm lãi suất. Với hai phiên tăng vào ngày thứ Tư và thứ Năm, Dow Jones hiện đã tăng 0,26% trong tuần này và S&P 500 tăng 0,06%, nhưng Nasdaq đã giảm 0,53% từ đầu tuần.

"Báo cáo CPI nóng hơn dự báo đã dẫn tới phản ứng bán tháo quá mức của nhà đầu tư. Tôi cho rằng thị trường sẽ dành thời gian còn lại của tuần này để lấy lại những gì đã mất trong phiên đó… Chúng tôi tin rằng xu hướng tăng sẽ duy trì", chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

(Nguồn: CNBC)

GIA HÂN