Chứng khoán thế giới tăng giảm trái chiều

Dow Jones tăng 26,07 điểm lên 23.749,76 điểm. S&P 500 tăng 12,03 điểm lên 2.842,74 điểm. Nasdaq Composite tăng 105,77 điểm lên 8.710,71 điểm trong phiên giao dịch ngày 4/5.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 4/5 đảo chiều đi lên khi giá cổ phiếu của các tên tuổi lớn về công nghệ tăng mạnh. 

Chỉ số Dow Jones tăng 26,07 điểm, hay 0,11%, lên 23.749,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,03 điểm, hay 0,42%, lên 2.842,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 105,77 điểm, hay 1,23%, lên 8.710,71 điểm. 

Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ, được biết đến là nhóm FAANG, gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet, chốt phiên đều lên giá. Tám trong số 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 đều tăng, với năng lượng và công nghệ tăng tương ứng 3,7% và 1,4%, vượt các lĩnh vực còn lại. Cổ phiếu hàng không nhìn chung giảm.

Nhà đầu tư tỷ phú và là Chủ tịch Berkshire Hathaway, ông Warren Buffett, cuối tuần qua cho biết tập đoàn của ông đã bán toàn bộ cổ phiếu hàng không, phát đi một tín hiệu báo động đối với ngành hàng không Mỹ dưới những tác động của đại dịch COVID-19.

Chứng khoán Phố Wall tăng nhẹ nhưng chứng thị trường châu Á lại lao dốc mạnh.
Chứng khoán Phố Wall tăng nhẹ nhưng chứng thị trường châu Á lại lao dốc mạnh.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên 4/5, sau làn sóng bán tháo trên phố Wall do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tái diễn liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc về sự bùng phát đại dịch COVID-19.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1.029,79 điểm, hay 4,18%, xuống 23.613,8 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 52,19 điểm, hay 2,68%, xuống 1.895,37 điểm. Các thị trường Thượng Hải và Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định đại dịch COVID-19 khởi phát từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Trung Quốc đã "lấn át" tác động tích cực từ việc tốc độ lây lan của dịch bệnh tiếp tục chậm lại và số ca tử vong giảm. 

Tổng thống Trump ngày 1/5 đe dọa sẽ áp thuế mới lên hàng hóa của Trung Quốc do cách ứng phó của nước này trước đại dịch, đồng thời khẳng định ông có bằng chứng về sự liên quan giữa một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc với sự bùng phát của dịch bệnh.

Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ đã gây lo ngại về nguy cơ tái diễn bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều đã từng khiến các thị trường toàn cầu điêu đứng trong năm ngoái, trước khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 12/2019. 

Nhà phân tích Stephen Innes tại AxiCorp cho rằng, ông Trump đang ủng hộ cuộc chiến thương mại và khi thị trường đã lường trước việc mức độ toàn cầu hóa sẽ giảm sút trong giai đoạn đầu hồi phục sau đại dịch, diễn biến mới này có thể khiến bất kỳ sự cải thiện nào về kinh tế cũng sẽ khó khăn hơn. 

Nhiều thị trường chứng khoán trên khắp châu Á giảm điểm khi giới đầu tư quay trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài và sau khi cả ba chỉ số chính trên phố Wall giảm khoảng 2,6-3,2%, dù khép lại tháng Tư với mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.  

Các nhà phân tích cảnh báo sau khi tăng mạnh trong tháng Tư nhờ sự lạc quan rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã đi qua, các thị trường chứng khoán có thể trải qua tháng Năm đầy biến động khi các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và các chỉ số kinh tế cho thấy mức độ thiệt hại mà đại dịch gây ra. 

Ở thị trường trong nước, đóng cửa phiên 4/5, chỉ số VN-Index giảm 0,86% (6,64 điểm), xuống 762,47 điểm, còn chỉ số HNX-Index hạ 0,05% (1,12 điểm), xuống 105,72 điểm.

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương