Isabelle Müller sinh năm 1964 tại Tours (Pháp), là con út trong gia đình có mẹ là người Việt Nam và ba là người Pháp. Mẹ bà tên Đậu Thị Cúc, tự là Loan - được lấy từ tên người con gái đầu lòng chẳng may qua đời vì bệnh tật khi còn ở quê hương. Loan là tên gọi của chim phượng hoàng, một biểu tượng của sự hồi sinh mạnh mẽ. Cuộc đời Isabelle cũng vậy, là một chuỗi hồi sinh từ những bất hạnh, nghịch cảnh để đến với cái đích bà luôn ước mong: Hạnh phúc!
Isabelle Müller - Nhà văn, doanh nhân mang trong mình hai dòng máu Pháp-Việt |
Hy vọng là con đường
Bình thản bước qua nỗi đau, mấy ai làm được ở đời. Nhưng Isabelle Müller, một doanh nhân thành đạt tại Đức đã làm rất tốt. Khi bà chia sẻ hành trình khủng khiếp mình đã vượt qua, nhiều người lặng lẽ rơi nước mắt. Không ai nghĩ, một người trải qua chừng ấy đau thương có đủ dũng khí để kể lại từng chặng đường gian nan, tủi nhục mà mình nỗ lực bước đi với mong muốn truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng. Trong cuốn sách NXB Tổng hợp TPHCM vừa giới thiệu đến độc giả mang tên “Con gái của chim Phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi” (dịch giả Trương Hồng Quang), Isabelle Müller chứng minh rằng, nếu đủ dũng cảm vượt qua nghịch cảnh, ai cũng xứng đáng bước vào hành trình hạnh phúc. Vậy nên, đừng gục ngã.
Cuốn tự truyện “Con gái của chim Phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi” gói gọn cuộc đời đầy sóng gió của Isabelle Müller và mẹ mình |
Cuốn sách dày gần 400 trang gói gọn cuộc đời đầy sóng gió của tác giả và mẹ mình trong đó. Một cuốn tự truyện với rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ đau khổ tột cùng đến ngập tràn hạnh phúc, thương yêu. Tác giả chia sẻ: “Tôi chắc chắn đã trải qua những điều tồi tệ, bao gồm lạm dụng tình dục, khủng bố tâm lý, kiệt sức, bị loại trừ, phân biệt đối xử, nghèo đói, phản bội. Đổi lại, tôi cũng đã trải qua tình yêu đích thực, sự ấm áp, tình cảm, sự động viên, sẵn sàng giúp đỡ, sự đồng cảm, tình bạn, may mắn và hạnh phúc. Và tôi được phép sống khỏe mạnh ở đây, trên trái đất và tận hưởng cuộc sống này”.
Bị phân biệt đối xử từ chính trong gia đình nội ở Pháp rồi đến hàng xóm, trường học; bị chính cha đẻ lạm dụng tình dục, hành hạ tâm lý suốt nhiều năm liền; bị cuộc đời hất ngã bao lần, nhưng trăm lần như một, bao giờ Isabelle Müller cũng chọn cách đứng dậy, bước tiếp như mẹ Loan đã luôn làm suốt mấy chục năm sống vì chồng con. Năm 2009, khi cuốn sách này ở phiên bản tiếng Đức lần đầu ra mắt, một làn sóng công luận dậy lên nhằm phản đối tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Chấp nhận bước vào “vũng lầy” thêm một lần nữa, chấp nhận thấm thía từng nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua, điều cuối cùng bà muốn là khích lệ các nạn nhân bị bạo lực tình dục chấm dứt sự im lặng trong sợ hãi để bẻ gãy quyền lực của các thủ phạm.
Chưa bao giờ bị mẹ la mắng, đánh đòn nhưng chẳng may trở thành đích tấn công của bố ruột ngay trong căn nhà yêu thương, lắm lúc, mọi thứ quá ngưỡng chịu đựng của cô bé Isabelle Müller ngày ấy. Nhưng nỗi sợ mất mẹ, sợ gia đình bị chia rẽ đã khiến Isabelle Müller chọn cách sống lặng im suốt thời gian dài. “Tôi tự nhủ mình là người có hai dòng máu Âu - Á, tôi phải tự mình vượt qua tất cả”, tác giả dặn chính mình.
Nhưng hành trình ấy chẳng mấy dễ dàng, nó kéo dài từ khi bà chỉ mới mấy tuổi đến lúc sắp trưởng thành để lắm lúc bà thốt lên “Dường như may mắn không có chỗ đứng trong cuộc đời tôi”. Có lúc, cô bé bị bao vây bởi nghịch cảnh cuộc đời ấy muốn tìm đến cái chết. Nhưng rồi lại thôi, cô chọn tiếp tục sống đối diện với nỗi đau, tìm cách vượt qua chúng từng ngày. Suốt 9 năm bị lạm dụng tình dục và tra tấn tâm lý, cô bé Isabelle Müller đã đủ dũng khí để siết chặt cổ người cha tồi tệ của mình và nói “Tôi thề một điều với ông, nếu ông chạm vào người tôi một lần nữa tôi sẽ giết ông”. Từ khoảnh khắc đó trở đi, Isabelle Müller được tự do mãi mãi.
Điều khiến người đọc cảm phục Isabelle Müller chính là cách bà trải nghiệm và vượt qua nghịch cảnh. Một tuổi thơ cơ cực, một chặng dài bị hành hạ đủ điều, bị lừa dối, phản bội nhưng tác giả cuốn sách không tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực mà luôn tìm ánh sáng quanh mình. Bà gọi mọi điều xấu nhất mình chẳng may đối diện là thử thách mà cuộc đời tạo ra để bản thân mạnh mẽ hơn. Sau mỗi tổn thương, thay vì trách than, đổ lỗi, bà chọn ra bài học cho riêng mình rồi tìm cách thay đổi từng chút một với hy vọng mình sẽ sớm chạm tay đến hạnh phúc.
Isabelle Müller nói, mình may mắn được mẹ thương yêu, gần gũi. Bà học được từ mẹ tính cách không khuất phục và không chất chứa hận thù dù cuộc đời tàn nhẫn với mình đến đâu. “Với sự tức giận và lòng hận thù ta phá bỏ mọi thứ, nhưng với đức kiên nhẫn và tình yêu ta có thể xây dựng một ngôi đền từ hư vô”. Sau tất cả, người phụ nữ ấy chọn tha thứ để bước tiếp hành trình mang tên hạnh phúc. Và bà đã tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình, cùng chồng xây dựng tổ ấm đong đầy yêu thương. Sự mạnh mẽ, lạc quan đó được bà truyền đến các con qua từng câu nói. Như cách bà trấn an Meliha - cô con gái lên 3 vừa phải bỏ đi một mắt do căn bệnh ung thư rằng “Mọi người đều có gánh nặng phải gánh trên vai. Chúng ta cũng vậy. Nhưng không giống như nhiều người khác, chúng ta may mắn có được nhau”.
Nữ văn sĩ Isabelle Müller chụp ảnh lưu niệm với độc giả trong buổi lễ ra mắt cuốn tự truyện “Con gái của chim Phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi” |
Yêu Việt Nam bằng tình yêu của mẹ
“Mẹ thích bắt đầu câu chuyện của mình như thế này: “Xứ sở nơi mà mẹ sinh ra ai ai cũng mỉm cười. Các em nhỏ tặng hoa cho các cụ già. Người lớn làm việc trên cánh đồng lúa xanh mướt như ngọc bích, vừa làm lụng vừa ca hát”. Bằng cách này, tôi đã học được rất nhiều điều về đất nước Việt Nam…”, quê hương, nguồn cội của Isabelle Müller qua lời mẹ kể đẹp vô cùng. Những năm 90, hai mẹ con cùng nhau trở về Việt Nam. Lúc đó tác giả đã lớn, tháng ngày hồi hương mang lại nhiều trải nghiệm khác lạ nhưng có một điều bất biến trong lòng Isabelle Müller là tình yêu bà dành cho quê mẹ không bao giờ thay đổi. Bà yêu Việt Nam, yêu mẹ Loan, yêu những người họ hàng mình may mắn tìm lại được sau mấy chục năm xa cách.
Niềm tự hào của Isabelle Müller chính là được làm con gái của mẹ mình, được cùng bà đi khắp nơi để nghe từng câu chuyện kể nhuộm màu ký ức. Niềm tự hào ấy thể hiện theo những cách vô cùng giản dị khi bà cùng mẹ trở lại Sài Gòn và ngồi xổm, ăn hàng rong với đũa và nghe mọi người khen “Thật đáng nể! Bà đã nuôi dạy con gái của bà như chúng tôi vậy!”. Trong sách, tác giả xúc động viết: “Dường như cuối cùng tôi đã tìm thấy chỗ đứng của mình, và điều đó khiến tôi thật hạnh phúc. Tôi tự hào biết bao khi có được một phần của dòng máu này”.
Isabelle Müller ký tặng độc giả Việt Nam |
Vào năm 2015, Isabelle Müller đã giới thiệu đến độc giả Đức cuốn sách viết về cuộc đời của mẹ mình với tên gọi “Loan - Từ cuộc đời của một con chim Phượng hoàng”. Vào tháng 7 năm 2015, bà lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Người kể chuyện Kindle 2015. Gần một năm sau đó, Isabelle Müller quyết định thành lập Quỹ từ thiện LOAN Stiftung, chuyên thực hiện các dự án giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở những vùng núi nghèo nhất của miền Bắc Việt Nam. Năm 2018, phiên bản tiếng Việt của cuốn sách Isabelle Müller viết về mẹ mình được phát hành tại Việt Nam đã khiến nhiều người xúc động.
Được biết, toàn bộ số tiền nhận được từ bản quyền cuốn sách này, tác giả sẽ tặng cho Quỹ LOAN với mong muốn chung tay giúp cho trẻ em nghèo Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Isabelle Müller gửi gắm độc giả của mình: “Sự tha thứ là một quyết định giải thoát, cứu rỗi, cho phép người ta có một cuộc sống hạnh phúc, tự quyết định. Hãy luôn tiến lên. Đừng lặp lại những sai lầm tương tự. Luôn luôn nhìn về phía trước. Hãy nhớ những gì bạn đã học. Hãy tin tưởng vào một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và may mắn”./.
Có gì trong cuốn sách thơ Hạnh phúc quanh ta của một nữ doanh nhân
Doanh nhân Nguyễn Thị Sơn, người sáng lập tập đoàn Kim Sơn vừa ra mắt tập thơ Hạnh phúc quanh ta.