Trong cương vị một nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã có nhiều cuốn sách và bài viết ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng. Ngoài những vấn đề xã hội đã đề cập trong các cuốn sách làm nên hiện tượng trước đây (Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, Ác và Smartphone, Điểm đến của cuộc đời), Đặng Hoàng Giang luôn dành mối quan tâm đặc biệt tới những người trẻ.
Trong gần hai năm, anh đã dành hàng trăm giờ đồng hồ trò chuyện với nhiều nhân vật trên dưới hai mươi tuổi để biết về thế giới của họ, hiểu những nỗi niềm sâu kín họ mang và viết nên cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Từ câu chuyện có phần dữ dội và đau đớn của những người người trẻ, cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối về nhận thức xã hội, về giáo dục, về hiện trạng các bệnh tâm lý, về văn hóa sống, về hiểu biết và yêu thương. Cuốn sách vừa ra mắt vào tháng Một năm 2020.
"Khi ngợi khen một người trẻ độc lập mạnh mẽ, có thể chúng ta không biết họ lớn lên trong môi trường phải làm bố mẹ của bố mẹ mình ra sao, cô đơn khắc khoải thế nào.
Khi ngưỡng mộ một người trẻ học giỏi, có thể chúng ta không biết họ đã bị ngạt thở bởi kỳ vọng của cha mẹ.
Khi phán xét một người trẻ hời hợt thiếu động lực sống, có thể chúng ta không biết từ bé đến lớn họ đã được "đút sẵn" đến nỗi không còn biết mình là ai.
Khi kêu ca một người trẻ thiếu nghị lực muốn kết thúc cuộc sống, có thể chúng ta không biết họ đã oằn mình mang gánh nặng mà gia đình ấn xuống quá lâu, khiến cánh giải thoát duy nhất là cái chết… "
Mỗi người trẻ, những người đang trong thời kỳ thiếu niên muộn – late adolescence, hay tiến sĩ Đặng Hoàng Giang gọi là quãng thời gian “hậu tuổi thơ”, đều được khắc họa chân thực tới từng góc khuất trong cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Mỗi trang sách như một cánh cửa dẫn người đọc vào thế giới của những người trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Là lứa tuổi của chọn lựa, của khám phá, lứa tuổi đòi hỏi sự chia sẻ dìu dắt từ người lớn, nhưng hóa ra có rất rất nhiều người trẻ đã phải tự loay hoay để lớn lên.
Trong thế giới của họ khi đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh. Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là “trưởng thành” và “ngoan”, từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng của người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ.
Tác giả Đặng Hoàng Giang |
Không phàn nàn, không phán xét, Đặng Hoàng Giang đã ngồi lại cùng những nhân vật của mình, nghiêm túc lắng nghe họ, nắm bắt những vật lộn hay những rung động dù là nhỏ nhất trong một tâm hồn, để trả lời các câu hỏi vĩnh cửu của tuổi trẻ, “Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?”.
Vang lên như những bài hát khi buồn đau khi dữ dội, những chân dung trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ cùng các phân tích tâm lý học của tác giả sẽ khiến cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có người trẻ trong cuộc sống của mình phải thức tỉnh, phải ngồi xuống lắng nghe con em mình và suy ngẫm về bản thân, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực.
TÁC GIẢ
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của anh có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.
Các tác phẩm khác của tác giả Đặng Hoàng Giang đã xuất bản:
- Bức xúc không làm ta vô can (2015)
- Thiện, Ác và Smartphone (2017)
- Điểm đến của cuộc đời (2018)
Sinh viên Nga sẽ được học Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, văn xuôi của Nam Cao, Tô Hoài...
Dưới đây là bài viết của cô Yulia Dmitrievna Minina, giảng viên Khoa Tiếng Việt, Trường Kinh tế cao cấp Matxcova