Lễ trao Giải thưởng sách quốc gia lần thứ hai - năm 2019 diễn ra tối 26/12 tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam đã tôn vinh 27 cuốn sách, công trình có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ.
Lễ trao giải do Hội Xuất bản Việt Nam, Hội đồng Sách Quốc gia đã tổ chức tại Hà Nội nhằm ghi nhận, tôn vinh các tác giả, dịch giả, các nhà khoa học, những người tham gia công tác xuất bản và phát hành sách trên cả nước. Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay có 42 nhà xuất bản tham gia với 259 tên sách, bộ sách bao gồm 355 cuốn. Để lựa chọn những cuốn sách tiêu biểu, có giá trị cao xứng đáng trao thưởng, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo đã làm việc khách quan, nghiêm túc và thận trọng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải A |
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Sách Quốc gia cho biết: So với lần đầu tiên tổ chức, giải thưởng năm nay có nhiều thay đổi để nâng tầm cả về chất và lượng. Về cơ cấu giải, năm nay không trao các thể loại Sách hay, Sách đẹp giải thưởng lần này chỉ còn một loại căn cứ vào chất lượng và nội dung tác phẩm với tên gọi chung là Giải thưởng Sách Quốc gia. Về hạng mục, thay vì có tới 7 hạng mục sách được trao, năm nay Ban Tổ chức đã rút gọn còn 5 hạng mục theo 5 mảng sách để phù hợp với thực tế và điều kiện chấm giải. Do đó, số lượng giải giảm đi nhiều, nhưng chất lượng giải tăng lên. Bên cạnh đó, quy chế tổ chức chặt chẽ như các cuốn sách phải đạt từ 70% số thành viên hội đồng thông qua mới được trao giải. Giá trị giải thưởng cũng tăng lên, giải A đã tăng gấp 5 lần, trị giá 100 triệu đồng. Ngoài những công trình nghiên cứu đồ sộ, giải thưởng lần này có nhiều cuốn sách có giá trị cao như “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển” của Trần Trọng Đương, tiểu thuyết “Hùng binh” của Đặng Ngọc Hưng, tác phẩm dành cho thiếu nhi “Xóm bờ giậu” của Trần Đức Viễn... “Các sách tham dự giải thưởng được các hội đồng tuyển chọn cơ sở thuộc các nhà xuất bản lựa chọn khá cẩn thận về nội dung và hình thức trình bày, có nhiều cuốn sách, bộ sách được biên soạn công phu, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao” - ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Năm nay, 27 cuốn sách, bộ sách đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia quyết định trao thưởng, trong đó có 2 giải A, 13 giải B và 12 giải C. Xuất sắc giành giải A là bộ sách “Động vật chí Việt Nam" (từ tập 26 đến tập 31) và "Thực vật chí Việt Nam" (từ tập 12 đến tập 21) của tập thể tác giả NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ; bộ sách “Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu) của tập thể tác giả do cố GS.NGND Phan Huy Lê tổng chủ biên -NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành. Đây là những công trình nghiên cứu có tính khoa học, chính xác có tính ứng dụng thực tiễn cao, có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất và đời sống xã hội.
Dù được đánh giá là có chất lượng hơn lần trao giải thứ nhất nhưng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, năm nay vẫn còn một vài hạn chế, đó là một số nhà xuất bản chưa lựa chọn được sách để gửi tham dự giải. Mặt khác, số lượng từng mảng sách tham dự chưa đồng đều, chủ yếu tập trung nhiều vào các mảng sách: Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật; Khoa học xã hội và Nhân văn; Chính trị, Kinh tế.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ -Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trao giải B cho các tác giả |
Giải thưởng Sách Quốc gia được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức từ năm 2018 khẳng định giá trị sách đối với đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích tôn vinh các tác giả, dịch giả nhà nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách. Việc tôn vinh Giải thưởng Sách Quốc gia là cú hích, điểm tựa cho những người làm sách đồng thời từng bước lan truyền văn hóa đọc trong cộng đồng, lưu trữ những tư liệu quý, góp phần vào việc xây dựng, phát triển đất nước.
Ra mắt bộ sách 'Hồ Chí Minh với Ấn Độ' bản tiếng Việt và tiếng Anh
Tình cảm của nhân dân Ấn Độ với Hồ Chí Minh là kho di sản tinh thần vô giá, không thể nói hết bằng lời.