Còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam

Trong tương lai, việc xây dựng một ngân hàng kỹ thuật số thành công đòi hỏi phải có một số yếu tố hỗ trợ chính: Tập trung vào khách hàng, hệ sinh thái và dữ liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ, mô hình kinh doanh và điều hành.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà các ngân hàng cần quan tâm.

Thứ nhất, hiện chỉ khoảng 50-60% người dân tiếp cận được sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, còn 30-40% dân chưa tiếp cận được, họ không thể vay tiền mua ô tô, tủ lạnh và các nhu cầu phục vụ đời sống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do thu nhập của người dân Việt Nam còn khá thấp, trung bình năm 2020 chỉ có 3,500 USD/người/năm, trong khi các nước khác cao gấp 10 lần. Do đó, vấn đề thu nhập là một trở ngại.

Thứ hai, dịch vụ sản phẩm ngân hàng còn hạn chế. Chẳng hạn như ô tô, rất ít người có thể tiếp cận được chương trình cho vay mua ô tô từ ngân hàng, trừ những người có thu nhập cao, còn thu nhập thấp khó vay được. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hệ thống chấm điểm tín dụng chung cho người dân, các ngân hàng vẫn dựa vào tiêu chuẩn thẩm định riêng hoặc dựa vào tài sản đảm bảo mới cho vay.

Thêm nữa, với cách thiết kế đô thị hiện nay tại Việt Nam, khó có thể di chuyển được và còn liên quan đến vấn đề môi trường. Do vậy, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, còn phải tùy thuộc vào quy hoạch, sắp xếp của Nhà nước, không thể đánh đổi môi trường để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ và đánh đổi các thành phần khác của nền kinh tế.

Nhận định về bức tranh thị trường tài chính nói chung và ngân hàng Việt Nam trong 5 năm tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường ngân hàng cá nhân đang được phục vụ dưới chuẩn, vì thế các ngân hàng đang rất cố gắng khai thác thị trường này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngân hàng cá nhân tại Việt Nam cần được quan tâm nhiều hơn. Các ngân hàng cần có chính sách phù hợp, cung cấp sản phẩm để khách hàng trải nghiệm, phục vụ hiệu quả về bảo mật, an toàn và những vấn đề cốt lõi như cho vay với lãi suất thấp, đây mới là điều người dân mong muốn chứ không phải digital banking. Digital Banking là một trong các công cụ chứ không phải điều người dân quan tâm.

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng rủi ro lớn nhất liên quan đến người tiêu dùng khi Việt Nam mở cửa thị trường tài chính. Đây là rủi ro người tiêu dùng vay được từ định chế tài chính như ngân hàng, công ty tài chính…, rủi ro là sự vỡ nợ của khách hàng. Nhiều người lao động gặp rủi ro tài chính khi dịch Covid-19 diễn ra và việc họ vay tiền là chuyện đương nhiên, các ngân hàng làm sao giải quyết các vấn đề tài chính cho nhóm đối tượng này. Vấn đề đặt ra là hiện nay, Việt nam chưa có công cụ quản lý rủi ro hoàn thiện và chặt chẽ.

Từ Ngân hàng Nhà nước cho đến ngân hàng phải có công cụ quản lý rủi ro, trong vấn đề tiền gửi, cho vay và khi khách hàng sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, ngân hàng phải nâng cao vấn đề đạo đức kinh doanh.

Tổng Hợp