Cơn sốt ChatGPT đến Việt Nam: Từ Vingroup đến startup AI

Trang Nikkei Asia của Nhật Bản ngày 16/2 đưa tin, ChatGPT chưa chính thức có mặt tại Việt Nam, nhưng tất cả mọi người từ người dùng cá nhân đến các tập đoàn lớn đang quan tâm đến tiềm năng của chatbot.

Việt Nam đang gia nhập cuộc đua đón nhận ChatGPT ở châu Á dù chatbot AI do Microsoft hậu thuẫn chưa ra mắt tại Việt Nam. Sự phấn khích đã nảy sinh ra ngành nghề nhỏ là bán các tài khoản miễn phí trong khi một số tập đoàn lớn đang xem xét khả năng của ChatGPT trong việc soạn thảo email, bài tiểu luận, viết mã và thậm chí cả tin, bài dựa trên các từ khóa đơn giản của người dùng. 

Hàng chục nhóm Facebook chuyên về nền tảng của OpenAI xuất hiện ở Việt Nam, trong đó có một nhóm gồm 79.000 thành viên.

Việt Nam không phải là nước duy nhất ở châu Á quan tâm đến việc sử dụng ChatGPT. Các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đang đua nhau đưa ra các phiên bản riêng, trong khi tỷ phú Gautam Adani của Ấn Độ gần đây cho biết "đang bị nghiện" ChatGPT.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, người dùng phải vượt qua nhiều vòng mới truy cập được dịch vụ. Đây là một trong ba nước Đông Nam Á mà tập đoàn OpenAI chưa cung cấp ChatGPT. Điều đó có nghĩa là truy cập ChatGPT từ Việt Nam cần phải thông qua mạng riêng ảo (VPN).

Cơn sốt ChatGPT đến Việt Nam: Từ Vingroup đến startup AI - Ảnh 1.

ChatGPT chưa chính thức có mặt tại Việt Nam, nhưng tất cả mọi người từ người dùng cá nhân đến các tập đoàn lớn đang thể hiện sự quan tâm đến tiềm năng của chatbot. Ảnh: Reuters

Ông Sonny Dang, người quản lý một nhóm người dùng ChatGPT, cho biết mỗi ngày có hàng trăm người Việt Nam yêu cầu trợ giúp tạo tài khoản ChatGPT, thường thông qua VPN. Ông Sonny Dang không bán những dịch vụ này nhưng cho biết những người khác tính phí từ 1-4 USD cho dịch vụ này.

Ông Sonny Dang ước tính rằng chưa đến 1% trong số dân 100 triệu người Việt Nam sử dụng ChatGPT do có thể ChatGPT giúp tiết kiệm thời gian, dễ sử dụng và nỗi sợ bị bỏ lỡ cơ hội (FOMO). 

Tin tức truyền thông tại Việt Nam cũng kích thích sự quan tâm. ChatGPT nhanh chóng trở thành chủ đề quan tâm của báo chí trên toàn cầu. Có vẻ như cứ 10 câu chuyện về ChatGPT thì có đến 9 câu chuyện là từ chatbot này.

Đại học VinUni của tập đoàn Vingroup đang cân nhắc cách thức áp dụng ChatGPT trong lớp học hoặc nghiên cứu.

Ông Kok Seng Kiong, Giám đốc chương trình đổi mới tại Đại học RMIT Việt Nam, nói với Nikkei rằng: "Tất cả các tập đoàn công nghệ lớn lớn của Việt Nam đều phát triển AI".

Theo báo cáo của Temasek, Google và Bain, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đến năm 2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á, ở mức 31% nhờ dân số trẻ, dễ tiếp thu công nghệ, đặc biệt là các phát minh miễn phí có thể đến với các nước đang phát triển.

Ông Kok Seng Kiong nhận định: "Có vẻ như ChatGPT là cơ hội để phát triển các kỹ năng và nền tảng kiến thức tại Việt Nam".

Tuy nhiên, ông Sonny Dang đồng sáng lập LovinBot (trợ lý viết tiếng Việt để hỗ trợ ChatGPT), nhận thấy nền tảng này không hỗ trợ tốt bằng tiếng Việt như với tiếng Anh. Rào cản chính là quy mô dữ liệu (xương sống của ChatGPT) và loại dữ liệu. 

Một giám đốc điều hành công nghệ cho biết: "Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao không gian mạng" nên khó có thể tạo nội dung nhờ AI. Việt Nam cũng gặp rào cản tương tự. "ChatGPT viết tiếng Việt rất tốt, như một người nói tự nhiên. Nhưng càng chơi, càng dùng, sẽ càng thấy những yếu điểm".

Đây là phần mềm tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lịch sử. Các lượt tìm kiếm "ChatGPT Vietnam" cho ra 13,5 triệu kết quả trên Google.

(Nguồn: TTXVN/Nikkei Asia)

P.V (tổng hợp)