Cổng Dịch vụ công Quốc gia được chứng minh mang lại nhiều lợi ích

Sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.

Hội nghị “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp” được tổ chức vào sáng 19/5 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione chủ trì.

Hội nghị diễn ra nhằm hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của cộng đồng doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo thông tin trên báo Chính Phủ, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như: Tăng cường làm việc gửi - nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; chuyển dần từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ cấp tỉnh phát huy hiệu quả.

Qua tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Các doanh nghiệp cũng có thể góp ý để cải thiện quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến và vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng hữu hiệu hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ngày Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Ảnh VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ngày Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam . Ảnh VGP

Được khai trương vào cuối năm 2019, đến nay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp. Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn đã được tích hợp lên cổng và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, khiến quá trình phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu cũng như Việt Nam bị gián đoạn nghiêm trọng. Để ứng phó và đẩy lùi đại dịch, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

Từ đó cho thấy, dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi cách làm việc của các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam làm việc qua hình thức trực tuyến.

Ông Ousmane Dione đưa ra dẫn chứng, một nghiên cứu được thực hiện tại Singapore năm 2019 cho thấy việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo/ phân tích dữ liệu lớn có thể làm tăng năng suất và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 26% và 17%.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ đô la giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025.

Ông Ousmane Dione khuyến nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận số hóa là tương lai và là cơ hội vàng để phát triển. COVID - 19 là chất xúc tác cho Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế số. Ta đang sống trong thời kỳ mà mọi thay đổi diễn ra nhanh chóng, do đó Chính phủ Việt Nam cần phải đi trước đón đầu.

Vị Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đề xuất: “Chính phủ phải đơn giản hóa các quy trình cung cấp dịch vụ trên môi trường điện tử. Nếu dịch vụ công trực tuyến không giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp thì nó sẽ không còn ý nghĩa. Chính phủ cần hiểu đâu là điểm nghẽn gây ra nhiều chi phí... Chính phủ cần như bệ đỡ, bệ phóng hỗ trợ cho quá trình số hóa của doanh nghiệp để họ tiến hành nhanh hơn. Còn các doanh nghiệp phải số hóa và cố gắng đi với tốc độ nhanh”.

Được khai trương từ ngày 9/12/2019, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 395 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Bắt đầu từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, 6 dịch vụ công được cung cấp là: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương