Tính đến 18h ngày 10/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca. Tính từ 18h ngày 09/01 đến 18h ngày 10/01, có 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Như vậy, hôm nay là ngày thứ 40 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Ca mắc mới là BN1514, nhập cảnh và được cách ly ngay tại Thanh Hóa.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.361 trong số 1.514 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca âm tính lần 3 là 8 ca.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hiện có 2 bệnh nhân nặng đang điều trị tại BVĐK TW Quảng Nam và BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh.
Hai bệnh nhân nặng đang điều trị tại BVĐK TW Quảng Nam và BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh. Ảnh minh họa |
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 10/1, thế giới ghi nhận hơn 90 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 1,93 triệu ca tử vong. Hơn 64,44 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi còn hơn 23,66 triệu người vẫn đang được điều trị.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 với hơn 22,699 triệu ca nhiễm và 381.480 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10,451 triệu ca nhiễm và 151.048 triệu ca tử vong. Brazil là quốc gia đứng thứ 3 với hơn 8,075 triệu ca nhiễm. Số ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này hiện là 201.657 ca.
Số ca tử vong tại Đức và Bỉ lần lượt vượt ngưỡng 40.000 ca và 20.000 ca
Bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh dường như chưa có dấu hiệu cải thiện khi các nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng mạnh.
Ngày 10/1, viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức thông báo, kể từ khi dịch bùng phát tới nay, nước này đã ghi nhận hơn 40.000 ca tử vong. Theo đó, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 465 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 40.343 người. Cho tới nay đã có tổng cộng hơn 1,9 triệu ca mắc được ghi nhận tại Đức, với gần 17.000 ca mắc mới từ ngày 9/1.
Số ca nhiễm và tử vong tại Đức và Bỉ đang tăng cao. Ảnh: TTXVN |
Trong khi đó, Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano) thông báo, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã vượt 20.000 ca trong ngày 10/1, với hơn một nửa số ca tập trung tại các cơ sở dưỡng lão. Tới nay, quốc gia với 11,5 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 662.694 ca mắc và 20.038 ca tử vong.
Số ca tử vong có chiều hướng giảm vào mùa Hè song sau đó đã bắt đầu tăng trở lại vào tháng 10/2020 với 218 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 10/11/2020. Tuần trước, số ca tử vong trung bình được ghi nhận ở mức 58 ca/ngày với khoảng 1.780 ca mắc.
Thụy Điển ban hành luật chống dịch COVID-19
Ngày 10/1, Luật chống dịch COVID-19 vừa được Quốc hội Thụy Điển thông qua chính thức có hiệu lực, theo đó trao cho chính phủ quyền hạn mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nước.
Thụy Điển đã ban hành Luật chống COVID-19 . Ảnh: TTXVN |
Luật trên cho phép Chính phủ Thụy Điển đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng trong thời gian cách ly. Theo các quan chức Thụy Điển, hiện chính phủ chưa đưa ra quyết định về việc đóng cửa các doanh nghiệp, song có quyền thực hiện việc này vào bất kỳ thời điểm cần thiết nào.
Cùng với đó, chính phủ cũng có thể đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở một số nơi công cộng. Luật cũng cho phép phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo luật mới, chính phủ sẽ không thể áp đặt lệnh giới nghiêm hay cấm đi lại trong nước.