COVID-19 sáng 26/6: Tìm thấy người trốn cách ly, thế giới ghi nhận gần 500 ngàn người tử vong

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến 6 giờ ngày 26/6, không có thêm ca mắc mới, Việt Nam ghi nhận 352 trường hợp mắc COVID-19.

Tổng số 212 ca nhiễm từ bên ngoài sau khi nhập cảnh đã được cách ly ngay. Từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ ngày 26/6, đã 71 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam kiểm soát tốt, thế giới có gần 500 ngàn người tử vong.
Việt Nam kiểm soát tốt, thế giới có gần 500 ngàn người tử vong.

Hiện Việt Nam có 6.889 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, 117 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 6.062 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 170 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

 Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 cho biết, đến thời điểm này Việt Nam đã có 329/352 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,3% tổng số ca bệnh. Trong đó, 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).

23 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, đa số đều có sức khỏe ổn định. Trong số này hiện có 1 ca âm tính lần 1 với Covid-19 và 3 ca âm tính 2 lần trở lên. 

Liên quan đến một đối tượng trốn cách ly, cơ quan chức năng cho biết vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 25/6, lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng Vi Văn Hiến (sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), người đã bỏ trốn khỏi khu cách ly CentreWay.

Lực lượng chức năng đã đưa đối tượng về khu cách ly CentreWay (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái) cách ly theo quy định.

Trước đó, ngày 22/6, Vi Văn Hiến được tổ công tác của Đồn Biên phòng Bắc Sơn (thành phố Móng Cái) phát hiện khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường biên giới.Vi Văn Hiến sau đó được bàn giao về khu vực cách ly CentreWay để thực hiện quy trình cách ly y tế.

Tại đây, Hiến đã được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Khoảng 22 giờ ngày 24/6, Vi Văn Hiến đã bỏ trốn khỏi khu cách ly. 

Trong khi đó tính đến sáng 26/6, thế giới ghi nhận gần 9,7 triệu ca nhiễm và gần 489.000 người chết do Covid-19, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.685.056 ca nhiễm và 488.916 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 180.848 và 5.235 trong 24 giờ qua. 5.249.151 người đã bình phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự tính ca nhiễm toàn cầu sẽ vượt 10 triệu vào tuần tới và cảnh báo dịch vẫn chưa đạt đỉnh ở châu Mỹ.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.497.791 ca nhiễm và 124.851 ca tử vong, tăng lần lượt 38.635 và 651 ca trong 24 giờ.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 35.640 ca nhiễm và 1.097 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.228.114 và 54.971. 

Các quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh cũng đang chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. 

Peru ghi nhận thêm 3.913 ca nhiễm và 1752 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 268.602 và 8.761, tiếp tục là vùng dịch thứ bảy thế giới. Các trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa, trung tâm thương mại ở một số khu vực hoạt động trở lại.

Chile xếp thứ tám với 259.064 ca nhiễm và 4.648 ca tử vong, tăng lần lượt 4.648 và 172. Chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.

Mexico đứng thứ 11 với 196.847 ca nhiễm và 24.324 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.437 và 947. 

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 92 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.605. Số ca nhiễm tăng 7.113, lên 613.994. 

Anh báo cáo thêm 1.118 ca nhiễm và 149 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 307.980 và 43.230. 

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 400 ca nhiễm và ba ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 294.566 và 28.330. 

Italy ghi nhận thêm 296 ca nhiễm và 30 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 239.706 và 34.678. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng đã mở cửa trở lại, người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.

Đức báo cáo thêm 461 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 193.715 và 9.012. Đức đã mở cửa biên giới cho các quốc gia trong khối EU từ 15/6. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến 29/6. T

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.595 ca nhiễm, nâng tổng số lên 215.096, trong đó 10.130 người chết, tăng 134 trường hợp so với hôm trước.

Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa. Chính quyền đang cân nhắc ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Arab Saudi ghi nhận thêm 3.372 ca nhiễm và 41 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 170.639 và 1.428. 

Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 613.994 ca nhiễm, và 15.308 ca tử vong, tăng lần lượt 18.185 và 401.

Trung Quốc chưa báo cáo số liệu. Giới chức Bắc Kinh hôm 24/6 tuyên bố về cơ bản kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn. Chợ Tân Phát Địa và hàng chục khu dân cư được coi là rủi ro cao đã bị phong tỏa từ 13/6.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 50.187 ca nhiễm, tăng 1.178 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.620 người chết, tăng 47 ca. Trường học đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.

Singapore ghi nhận 42.736 ca nhiễm, tăng 113, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore đang dỡ bỏ hạn chế theo từng giai đoạn. Từ đầu tháng 6, các trường học đã hoạt động trở lại. Phòng tập gym, công viên, bãi biển và nhà hàng hiện có thể mở cửa trở lại nhưng các sự kiện tôn giáo, quán bar, nhà hát và các sự kiện quy mô lớn vẫn chưa được phép.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương