Cuộc gặp gỡ định mệnh của bác sĩ người Pháp gốc Việt với cô bé 10 tuổi và câu chuyện cảm động phía sau

Cuộc gặp gỡ định mệnh với một cô bé người Việt ở thành phố Đà Nẵng đã thôi thúc vị bác sĩ người Pháp làm một việc vô cùng ý nghĩa.

Năm 1992, bác sĩ người Pháp gốc Việt, Trần Tiễn Chánh từng gặp một cô bé 10 tuổi bán quạt tại bến phà. Vì để muốn giúp đỡ cô bé nên ông đã đưa 5.000 đồng thế nhưng cô bé đã tìm cách trả lại chứ không lấy toàn bộ.

Bác sĩ Trần Tiễn Chánh.
Bác sĩ Trần Tiễn Chánh.

Lúc đó sau khi đưa cô bé số tiền 5.000 đồng, ông chẳng nghĩ ngợi gì nhiều và cũng không nghĩ đến chuyện là cô bé sẽ trả lại mình số tiền thừa. Ông vào một quán cơm và ăn trưa sau đó định trả tiền và rời đi thì bà chủ cho biết cô bé bán quạt đã thanh toán số tiền cơm. Ông quyết định gặp cô bé, từ đây ông biết được tên của cô bé là Nhung, năm nay 10 tuổi.

Cô bé dẫn ông lên phà và chỉ chỗ ngồi an toàn nhất tránh mưa gió, sau đó ghi cho ông địa chỉ, ông hứa sẽ liên lạc lại. Sau khi trở về Pháp ông viết thư cảm ơn và nói rằng: "Cháu đã làm thay đổi nhận thức của chú về tình cảm giữa người với người...”. Ông nói: "Cuộc gặp gỡ ấy đã thay đổi suy nghĩ của tôi về trẻ em Việt. Những đứa trẻ ăn xin trước đó giống như ghim vào tim tôi lạnh giá mùa đông, thì Nhung đã thổi hơi ấm mùa Xuân, cho tôi niềm tin rằng dù nghèo đói nhưng vẫn luôn có sự tử tế”.

Câu chuyện tưởng đã trôi vào quên lãng vì bức thư của ông gửi bao nhiêu tháng vẫn chẳng có hồi âm. Phải đến 1 năm sau, ông nhận được một bức ảnh của một người bạn trong đó là hình ảnh cô bé Nhung đã lớn hơn, vẫn nụ cười và ánh mắt như ngày nào ông từng nhìn thấy. 

Ông quyết định mở ra một tổ chức từ thiện mang tên Xuân vào năm 1993 để quyên góp tiền cho trẻ nghèo Việt Nam. Lý giải về tên "Xuân" ông nói cô bé Nhung đã mang cho ông một sức sống, một mùa xuân mới trong nhận thức. Được biết có khoảng hơn 200 đứa trẻ ở Đà Nẵng được sống, học tập và trưởng thành ở đây những năm qua. 

Bức ảnh được bạn của bác sĩ Chánh chụp lại cô bé Nhung sau cuộc gặp gỡ đó 1 năm.
Bức ảnh được bạn của bác sĩ Chánh chụp lại cô bé Nhung sau cuộc gặp gỡ đó 1 năm.

Chị Lê Thị Hiệp 32 tuổi, chuyên viên tập đoàn kiểm toán tại Paris, từng là thành viên của đội xin ăn đường phố cùng mẹ cách đây nhiều năm. Thời điểm đó, người ta phát hiện ra chị Hiệp đang đói lả bên đường nên đã đưa chị về nhà Xuân. Tại đây, chính bác sĩ Trần Tiễn Chánh đã cưu mang và dạy dỗ chị nên người. Chị còn nhớ như in, lần đầu tiên gặp ông, ông từng vẫy tay và trao ánh mắt dịu dàng cho chị: "Ra đây với bố nào! Gắng học nha con, học giỏi thì mới thoát khổ".

Chính câu nói và sự ân cần của người đàn ông chẳng chút máu mủ ruột thị đã theo chị suốt bao năm qua. Sau thời gian dài nỗ lực học tập, chị đã đậu khoa tiếng Pháp của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và sang Pháp du học. Cuộc sống của chị Hiệp bây giờ đã viên mãn hơn bất kỳ ai khác.

Bác sĩ Trần Tiễn Chánh và các em nhỏ Nhà Xuân chụp tháng 9/2019
Bác sĩ Trần Tiễn Chánh và các em nhỏ Nhà Xuân chụp tháng 9/2019

Còn đối với bác sĩ Chánh, chị Hiệp chỉ là một trong hàng trăm trường hợp mà ông sẵn sàng bỏ công sức và thời gian để chăm sóc với một mong muốn tất cả đều thành công, đều có học. Vị bác sĩ này từng chia sẻ: “Nếu không có chuyến trở về Việt Nam 1992, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm từ thiện và gắn bó với những đứa trẻ này”.

Bức ảnh của cô bé Nhung đã được bạn ông Chánh đưa lên website cùng câu chuyện này. Câu chuyện đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người thắc mắc không biết giờ đây cô bé đã ra sao và còn nhớ câu chuyện năm xưa từng gặp người đàn ông này hay không.

Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng, vào cuối năm 2019, sau bao nhiêu năm chờ đợi và hy vọng, bác sĩ Trần Tiễn Chánh đã có cơ hội gặp lại cô bé Nhung đã gần 40 tuổi. Nắm lấy bàn tay người phụ nữ trải qua bao sóng gió của cuộc đời, ông nói: "Cảm ơn cuộc gặp gỡ tình cờ với cháu năm đó. Chỉ vài chục phút thôi nhưng đã thay đổi hàng chục năm cuộc đời sau này của chú". 

Thanh Mai

Một phụ nữ 59 tuổi ở Hà Nội tử vong vì áp dụng chế độ 'ăn thực dưỡng'

Một phụ nữ 59 tuổi ở Hà Nội tử vong vì áp dụng chế độ "ăn thực dưỡng"

Sau 2 tháng ăn thực dưỡng, bệnh tiểu đường của bệnh nhân này không giảm, sụt 7kg, liên tục bị đau bụng.