Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh lãnh 5 năm tù

Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh.

Sáng 24-1, sau 4 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và 7 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc BV Bạch Mai) cùng tội danh lãnh 3 năm 6 tháng tù, Phạm Đức Tuấn (cựu chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS) lãnh 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. 

  Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Danh Lam

Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Danh Lam

5 bị cáo còn lại là cựu cán bộ thuộc BV Bạch Mai, công ty BMS và đơn vị thẩm định giá bị phạt từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 24 tháng tù giam.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền lợi của hàng trăm bệnh nhân, buộc họ "chấp nhận mức phí mà bệnh viện đưa ra mà không có quyền lựa chọn"; gây ảnh hưởng đến uy tín Bệnh viện Bạch Mai, gây dư luận xấu, gây mất niềm tin của nhân dân với chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Trong đó, Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh có vai trò chính, là người có thẩm quyền cao nhất quyết định thống nhất giá thiết bị với Công ty BMS, ký các thủ tục liên danh liên kết. Ông bị cáo buộc tạo điều kiện cho bị cáo Tuấn (Giám đốc BMS) nâng giá thiết bị, gây thiệt hại cho 637 bệnh nhân.

Bị cáo Tuấn giúp sức tích cực. Những người còn lại, bao gồm 2 cực cán bộ bệnh viện Bạch Mai, đều là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo cấp trên, được xác định là đồng phạm, vai trò ngang nhau.

Theo kết luận của HĐXX, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trực thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện đã triển khai thực hiện nhiều đề án xã hội hóa liên danh, liên kết, trong đó có việc lắp đặt các hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật giữa bệnh viện và Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS. Tháng 5/2016, Tuấn đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh để chào bán robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỉ đồng và robot Mako giá 44 tỉ đồng. 

Giám đốc Bạch Mai không đồng ý vì thủ tục phức tạp. Sau đó, hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra. 

Nguyễn Quốc Anh đã tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. 

Để thể hợp thức hóa giá robot đưa vào liên doanh, liên kết, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Trần Lê Hoàng - thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) để thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định giá robot Rosa 39 tỉ đồng, robot Mako 44 tỉ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, qua xác minh đã làm rõ Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng. 

Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não. Hậu quả vụ án là tổng số tiền 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa từ khi lắp đặt đến tháng 5/2020, tương đương hơn 10 tỷ đồng.

Thanh Mai