Sáng 22/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận của luật sư, phần tự bào chữa của các bị cáo.
Phiên tòa hôm nay, HĐXX dành phần lớn thời gian cho các luật sư, bị cáo bị cáo buộc là đồng phạm, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan bào chữa về tội Tham ô tài sản.
Bị cáo Hồ Bửu Phương làm theo thông lệ có từ trước tại Vạn Thịnh Phát
Trình bày tại tòa, luật sư bào chữa cho Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020) cho hay, bị cáo là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì.
Trong khi đó, bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) đề nghị mức án từ 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản. Bị cáo bị cáo buộc là người trực tiếp nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, phối hợp với một số bị cáo lên phương án "giải quỹ" giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 163.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 99.000 tỷ đồng.
Theo luật sư, VKS đánh giá thân chủ mình phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi là không phù hợp. Hành vi của bị cáo Hồ Bửu Phương là một mắt xích nhỏ cuối cùng trong vụ án. Giới hạn hành vi của bị cáo Phương dừng lại ở việc áp đơn giá cổ phần chuyển nhượng sau khi tiền đã được giải ngân về cho công ty vay.
Theo đó, các công việc như lên phương án vay vốn, lên phương án giải quỹ, và quá trình sử dụng dòng tiền sau khi "giải quỹ" trên thực tế như thế nào Hồ Bửu Phương không biết và không tham gia.
Luật sư cho hay, tất cả đều làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và bị cáo Phương cũng không được trao đổi hoặc hứa hẹn hưởng lợi nào khác ngoài lương thưởng theo hợp đồng lao động.
Luật sư cho rằng, bản thân bị cáo Hồ Bửu Phương không biết số tiền "giải quỹ" được sử dụng vào mục đích gì. Thực tế, trong hồ sơ vụ án và trả lời trước HĐXX bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) đã xác định phần tiền mặt rút ra để chuyển về tòa nhà 127 Pasteur thì bị cáo Hồ Bửu Phương không biết.
Đồng thời, phương án "giải quỹ" các khoản vay được SCB giải ngân đã xuất hiện từ trước khi Hồ Bửu Phương giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Do đó bị cáo Phương cũng chỉ làm theo thông lệ có từ trước tại Vạn Thịnh Phát mà không dự liệu đến tính đúng sai của hoạt động này.
Hơn nữa, luật sư cũng mong HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Phương cũng như các bị cáo khác để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Tự bào chữa bổ sung sau phần trình bày của các luật sư, bị cáo Hồ Bửu Phương cho hay, bị cáo bị truy tố về tội tham ô với khung hình phạt 19-20 năm tù. Bị cáo không hiểu sao lại xảy ra tình trạng này, bị cáo thấy hành vi phạm tội của bị cáo không quá nghiêm trọng.
“Từ lúc bị tạm giam đến nay, bị cáo chưa được gặp vợ con và gia đình, bị cáo cũng rất xấu hổ khi để xảy ra sự việc này, không dám gặp con vì xấu hổ. Bị cáo xin HĐXX và VKS cân nhắc, xem xét phần bào chữa của các luật sư để cân nhắc khi đưa ra mức hình phạt cho bị cáo”, bị cáo Hồ Bửu Phương nói.
Cựu Phó tổng giám đốc SCB "đặt niềm tin sai chỗ", mong nhận được sự khoan hồng
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB, bị đề nghị 19-20 năm tù về hành vi Tham ô tài sản) cho rằng, cần phải xem xét số tiền chiếm đoạt.
Theo cáo trạng, từ năm 2019-2022, bị cáo Dung giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 200.690 tỷ đồng, và gây thiệt hại cho SCB hơn 69.000 tỷ đồng.
Theo luật sư Công, bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan mà không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào.
Hành vi của bị cáo Dung là thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay từ SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để xử lý các khoản vay đến hạn của bà Lan có từ năm 2012 (hay còn gọi là đảo nợ), hoàn toàn không có các khoản vay mới.
Luật sư cho rằng, nguyên nhân phạm tội là do bị cáo Dung mù quáng tin tưởng, làm theo lệnh của bà Trương Mỹ Lan, một phần cũng do tiếp nối hành vi của người tiền nhiệm. Quá trình đảo nợ này đã diễn ra từ nhiều năm về trước, trước khi bị cáo Dung được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SCB phụ trách phê duyệt tín dụng và xử lý nợ.
Về số cổ phần mà bị cáo Dung khai được nhận vào năm 2021 từ bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư phân tích thêm, đây là phần thưởng năm theo chế độ của SCB dành cho nhân viên, không phải là số cổ phần được bị cáo Trương Mỹ Lan cho riêng bị cáo Dung. Số cổ phần này không phải là sự thỏa thuận ăn chia lợi ích để thực hiện hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan, theo Dân trí.
Tự bào chữa, bà Dung nói thời điểm đó, bị cáo và những nhân viên của SCB tin tưởng vào tài năng của bị cáo Trương Mỹ Lan. Bởi khi ấy, bị cáo Lan có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường, Dung nghĩ bị cáo Lan sẽ giúp cho SCB vực dậy, phát triển mạnh hơn.
"Nhưng cho tới thời điểm này, bị cáo nhận thấy mình đã đặt niềm tin sai chỗ, nên mới dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật", bị cáo Dung nói.