Cứu sống một bệnh nhi nguy kịch bằng biện pháp can thiệp ECMO

Một bé gái 9 tuổi vừa được cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" sau nhiều ngày nôn ói và sốt nhẹ.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch, hôn mê.

Gia đình cho biết nhiều ngày qua, bé N. phải nghỉ học do liên tục sốt và nôn. Cùng ngày, bé đột ngột than mệt, sau đó trợn mắt và ngất xỉu.

Tại bệnh viện địa phương, bé N. được cấp cứu bằng nhiều loại thuốc vận mạch. Kết quả siêu âm và xét nghiệm cho thấy men tim của bệnh nhi tăng rất cao. Nghi ngờ bé bị viêm cơ tim, sốc tim, bác sĩ tuyến dưới chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

be_gai_chay_ecmo_ed.jpg
Bệnh nhi 9 tuổi qua cơn nguy kịch sau một tuần được can thiệp ECMO. Ảnh: Phương Vũ.

Theo bác sĩ Vũ, ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi được can thiệp ECMO và điều trị rối loạn nhịp, ứ máu trong buồng tim. Trước đó, các bác sĩ đã phẫu thuật xé vách buồng tim cấp cứu tại giường và truyền nhiều máu, chế phẩm máu cho bé.

Sau một tuần được can thiệp ECMO, bệnh nhi tỉnh dần, các thông số máy và chức năng cơ quan tim, thận, gan, phổi cải thiện rõ rệt.

Bé B.H.P.N. (9 tuổi) là bệnh nhi thứ 17 được cứu sống nhờ can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) kịp thời tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Theo Bộ Y tế, viêm cơ tim (Myocarditis) là biến chứng của bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hoá, dị ứng...

Trong nhóm tác nhân nhiễm trùng, viêm cơ tim có thể là biến chứng của nhiều bệnh do virus, vi khuẩn thông thường như cúm, Coxsackie, EV71, sốt xuất huyết Dengue, Adeno, Herpes, sởi, rubella, vi khuẩn thương hàn, bạch hầu…

Biểu hiện bệnh viêm cơ tim diễn biến đa dạng. Hầu hết bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhẹ có thể hồi phục hoàn. Trường hợp viêm cơ tim tối cấp có thể gây nguy hiểm, đe doạ tính mạng người bệnh. Viêm cơ tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính.

HẢI MY