Đại dịch COVID-19 khiến thế giới trở nên bất bình đẳng hơn

Thế giới ngày càng bất bình đẳng hơn và đại dịch COVID-19 đã khoét sâu và làm cho sự mâu thuẫn này trở nên tồi tệ hơn.

Trong một báo cáo với chủ đề “Rủi ro Toàn cầu 2022” được phát hành bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)vào hôm thứ Ba, tổ chức này đã cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, sự phục hồi phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai tiêm chủng, đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia và trong cộng đồng quốc tế nói chung.

_114317233_gettyimages-1217239484-594x594.jpg
Đại dịch COVID-19 khiến thế giới trở nên bất bình đẳng hơn.

“Thế giới đã cùng nhau trải qua rất nhiều điều, nhưng chúng ta không cùng nhau phục hồi. Năm 2022 bắt đầu với một nửa dân số vẫn chưa được tiêm chủng và sự phục hồi kinh tế không đồng đều có thể chia rẽ nền kinh tế toàn cầu”, Emilio Franco, người đứng đầu về vấn đề rủi ro toàn cầu của WEF cho biết.

Theo báo cáo của WEF, tại 52 quốc gia nghèo nhất - nơi sinh sống của 20% dân số thế giới - chỉ 6% dân số đã được tiêm chủng (so với 69,9% ở các quốc gia có thu nhập cao).

“Đây là lý do tại sao báo cáo của chúng tôi cảnh báo sự phân hóa toàn cầu là rủi ro chính. Nó sẽ tạo ra căng thẳng (giàu – nghèo) trong và ngoài nước vào thời điểm mà các xã hội và quốc gia cần phải làm việc cùng nhau để khôi phục lòng tin và xây dựng khả năng phục hồi trong tương lai”, Franco nói thêm.

Hơn nữa, vấn đề lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, nợ công tăng cao và chủ nghĩa bảo hộ đang đẩy nền kinh tế thế giới vào “vùng nước” đầy biến động. Những thách thức này được cộng thêm bởi những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, mối đe dọa ngày càng tăng của các cuộc tấn công mạng, di cư hàng loạt và cuộc chạy đua khám phá không gian khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Sự bùng phát của một biến thể coronavirus mới - Omicron- vào cuối năm 2021 đã xác nhận điều mà nhiều nhà kinh tế lo ngại – đó là sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong thế không vững chắc và bất kỳ sự gián đoạn nào có thể dẫn đến hậu quả lâu dài.

Vào năm 2024, dự kiến các nền kinh tế đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ giảm 5,5% so với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ​​trước đại dịch, trong khi các nền kinh tế tiên tiến sẽ vượt qua mức 0,9%, theo WEF.

WEF nhấn mạnh rằng, việc khôi phục lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia sẽ là điều cần thiết để giải quyết các thách thức và ngăn chặn các quốc gia trên thế giới tách rời nhau ra xa hơn.

Đói nghèo cùng cực, biến đổi khí hậu và số hóa nhanh chóng

Báo cáo của WEF dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu được thu thập từ gần 1.000 chuyên gia, những người được yêu cầu phản ánh về phản ứng toàn cầu đối với đại dịch và suy ngẫm về cách mà các nhà lãnh đạo thế giới có thể giải quyết những thách thức sắp tới. Khoảng 84% những người được hỏi cho biết họ quan tâm đến việc thế giới sẽ đi về đâu?

Báo cáo cũng dựa trên quan điểm của hơn 12.000 nhà lãnh đạo cấp quốc gia từ 124 quốc gia, những người đã xác định được những rủi ro quan trọng.

Xói mòn liên kết xã hội được xếp hạng là mối đe dọa ngắn hạn hàng đầu ở 31 quốc gia - bao gồm Argentina, Pháp, Đức, Mexico và Nam Phi, những quốc gia G20. Theo WEF, sẽ có thêm khoảng 51 triệu người nữa được dự báo sẽ sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói so với trước đại dịch, theo WEF.

Việc chuyển đổi một cách chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng sang các chính sách thân thiện với khí hậu có thể sẽ khiến các quốc gia xa rời nhau và tạo ra rào cản giữa các quốc gia đó với nhau. WEF cảnh báo rằng, việc chuyển hướng ra khỏi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon sẽ gây ra biến động kinh tế và làm trầm trọng thêm tỷ lệ thất nghiệp.

fy20_povertyfacts_zambia.jpg
Dự kiến có thêm 52 triệu người nghèo đói sau đại dịch COVID-19.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các hệ thống kỹ thuật số, vốn đã phát triển quá mức trong thời kỳ đại dịch, đã thay đổi thế giới mãi mãi. Và thế giới đang không chuẩn bị cho việc bảo vệ nó.

Bắt đầu từ năm 2020, các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại và ransomware vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật số tăng lần lượt theo năm là 358% và 435%.

Một điều mà đại dịch đã chỉ ra là không quốc gia nào có thể miễn nhiễm với những xáo trộn về kinh tế, môi trường và xã hội. Đó là lý do tại sao các chính phủ phải ưu tiên đầu tư vào việc chuẩn bị cho vô số thách thức đang chờ đợi họ.

WEF cho biết, điều này có nghĩa là giải quyết các thách thức chính sách quy mô lớn, xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc khí hậu và sức khỏe cộng đồng trong tương lai, đồng thời khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong việc tìm kiếm các giải pháp.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương