Đặng Hùng Võ - người “dị tướng” chân tình và cởi mở

Cuốn sách “Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo” tuyển chọn 37 bài chân dung, phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ trong 30 năm qua

Nhiều người coi ông là người dị tướng. Còn các nhà báo rất thích trò chuyện với ông, vì cách ông trao đổi cởi mở, hóm hỉnh, dù là với những vấn đề phức tạp. Ông là Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giáo sư Đặng Hùng Võ sinh năm 1946 tại Gia Lâm (Hà Nội), phải trải qua nhiều khó khăn ngay từ nhỏ. Bố ông nằm trong số trí thức đầu tiên của Hà Nội tham gia cách mạng vào ngày 2.9.1945 và hy sinh tại Bắc Giang đúng vào Ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946, khi ông mới đầy tháng tuổi. Hòa bình lập lại (1954), tuổi thơ của ông lại bị đứt đoạn bởi cải cách ruộng đất. Từ đó, chàng trai họ Võ phải trọ học xa nhà, rồi vào ở ký túc xá khi học đại học và phải đi sơ tán khi Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc.

GS - TSKH Đặng Hùng Võ, Hà Nội tháng 4.2024
GS - TSKH Đặng Hùng Võ, Hà Nội tháng 4.2024

Trong thời gian 1964 - 1967, ông học ngành Trắc địa và bản đồ (ĐH Bách khoa) và từ 1967 - 1969, ông học tiếp ở ĐH Tổng hợp - ngành Toán, hệ chuyên tu. Dù cuộc sống kham khổ, nhưng ông vẫn đạt thành tích học tập tốt. Tiếp đó, Đặng Hùng Võ về làm giảng viên tại ĐH Mỏ - Địa chất (1969 - 1976). Tại đây, ông theo học và tốt nghiệp kỹ sư trắc địa, trước khi chuyển về công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước.

Tới sau khi đất nước thống nhất (1975), Đặng Hùng Võ thi đỗ kỳ tuyển chọn nghiên cứu sinh và năm 1981, sang Ba Lan, là nghiên cứu sinh tại ĐH Bách khoa Warszawa, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1984. Tiếp theo, ông là cán bộ Viện Trắc địa - Bản đồ Ba Lan và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Học viện Mỏ - Luyện kim AGH, Krakov vào năm 1988. Trong thời gian này, bên lề cuộc sống của ông có một chuyện khá lý thú. Đó là việc ông trở nên giàu có với nghề tay trái là kinh doanh, buôn bán hàng hóa tại Ba Lan và các nước Đông Âu theo mô hình công ty đa quốc gia.

GS Đặng Hùng Võ: “Khi làm quản lý cần phải có kiến thức khoa học, thì không phải ngại chia sẻ với báo chí”. Ảnh: L.Q.V 
GS Đặng Hùng Võ: “Khi làm quản lý cần phải có kiến thức khoa học, thì không phải ngại chia sẻ với báo chí”. Ảnh: L.Q.V 

Cả cuộc đời GS Đặng Hùng Võ là quá trình miệt mài lao động hăng say cống hiến cho nước nhà. Ông trở về Việt Nam vào năm 1988 và tiếp tục công tác trong lĩnh vực trắc địa bản đồ, quản lý đất đai và lần lượt được cử đảm nhiệm nhiều chức trách. Tới giai đoạn 1994 - 2002, ông là Phó Tổng cục trưởng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính và hợp tác với ĐH Khoa học Tự nhiên thành lập bộ môn Địa chính. Năm 1992, ông được Hội đồng Chức danh khoa học Nhà nước phong học hàm Giáo sư.

Tiếp đó, vào những năm 2002 - 2007, Đặng Hùng Võ là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời kiêm nhiệm một số chức trách khác. Từ năm 2007 đến nay, ông là chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Thế giới, Oxfam, UNDP và nhiều dự án quốc tế khác. Dù ở tuổi nghỉ hưu, GS Đặng Hùng Võ vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thử sức với nhiều vai trò mới, kể cả việc từng dẫn chương trình trên sóng truyền hình VTC News.

GS Đặng Hùng Võ thực sự là một nhà khoa học đầy tâm huyết, một trong những người có nhiều đóng góp nhất cho ngành Bản đồ và Quản lý đất đai tại Việt Nam. Ông là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003, mang lại nhiều điểm mới cho công tác quản lý đất đai trong nước. Ông cũng đã chủ trì nhiều đề tài khoa học quan trọng, hữu ích, như: “Chuyển tọa độ giữa hệ tọa độ Nhà nước và hệ tọa độ của Mỹ sử dụng ở miền Nam” (1969 - 1970), “Đo nối hệ thống tọa độ miền Bắc và miền Nam Việt Nam” (1977 - 1979), “Ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu GPS vào ngành trắc địa và bản đồ Việt Nam” (1989 - 1991), “Xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000” (1994 - 2000), “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông tin địa lý phục vụ hợp tác giải quyết một số vấn đề cơ bản về khoa học trái đất trên lãnh thổ Việt Nam và toàn cầu” (2002 - 2005), “Nghiên cứu tác động của hoạt động kinh tế - xã hội với biến động sử dụng đất và môi trường tự nhiên trong khung cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu” (2000 - 2013) cùng nhiều công trình khoa học khác.

Với nhiều thành tích đạt được, năm 1985, ông Đặng Hùng Võ là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất được nhận Giải thưởng Công trình Khoa học của Đại học Bách khoa Warszawa, Ba Lan. Vào năm 2000, GS - TSKH Đặng Hùng Võ được Chính phủ Nước CHDCND Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Cùng trong năm 2005, ông được Chủ tịch Nước trao tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học, Công nghệ và được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Ngoài ra, ông còn vinh dự được nhận nhiều huân chương của Việt Nam, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba. Ngay khi nghỉ hưu, ông nộp Đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội Khóa XII, được dư luận ủng hộ rất nhiều, nhưng sau đó, ông đã xin rút đơn ứng cử.

Để ghi lại hành trình đáng nhớ trong sự nghiệp, cuộc đời của mình, ông vừa cho ra mắt cuốn sách “Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo", do Alpha Books và NXB Thế giới ấn hành, là cuốn sách đầu tiên thuộc dự án ra mắt sách năm 2024 của ông.

Cuốn sách “Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo” ẩn chứa nhiều lý thú.
Cuốn sách “Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo” ẩn chứa nhiều lý thú.

Cuốn sách “Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo” tuyển chọn 37 bài chân dung, phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ trong 30 năm qua - từ khi còn là một nhà trắc địa bản đồ cho tới dấu ấn với công nghệ định vị GPS, cho đến khi về hưu, nhưng vẫn luôn trăn trở với những vấn đề “nóng" về chính sách đất đai, nhà ở. Các bài viết đều toát lên chân dung vị GS “dị tướng" được người dân yêu mến với những công trình khoa học, tạo bước tiến lớn cho ngành trắc địa - bản đồ, tạo đà để kinh tế - xã hội phát triển cũng như giữ vững chủ quyền an ninh - quốc phòng.

Ấn phẩm này gồm 3 nội dung chính: 1- Quá trình trưởng thành, học tập và lao động khoa học miệt mài của Giáo sư Đặng Hùng Võ. 2 - Chân dung GS Đặng Hùng Võ trong đời thường với con tim không bao giờ “ngừng yêu" gia đình, yêu văn chương nghệ thuật. 3- GS Đặng Hùng Võ khi đã giã từ nghiệp quan trường, được thử sức với những lĩnh vực mới mẻ.

Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về cuộc đời, tính cách của một giáo sư - tiến sĩ khoa học luôn hăng say, cống hiến hết mình cho nước nhà, dù lúc làm thứ trưởng hay khi về hưu; được chia sẻ về các vấn đề “nóng" hiện nay về đất đai, bất động sản và các thủ tục pháp lý liên quan; được khám phá sức mạnh của báo chí trong việc lan tỏa các thông tin giá trị, hữu ích tới dân chúng…

Tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Giáo sư Đặng Hùng Võ & những người bạn nhà báo” tại Hà Nội do Alpha Books vừa tổ chức ngày 21.4 vừa qua, một số nhà báo đã chia sẻ những cảm nhận của mình trong quan hệ với giới báo chí của GS Đặng Hùng Võ là rất tích cực, thẳng thắn và chân tình, qua đó, các nhà báo được bổ sung nhiều kiến thức của lĩnh vực chuyên ngành mà mình theo dõi.

GS Đặng Hùng Võ ký lưu niệm sách cho bạn đọc. Ảnh: L.Q.V
GS Đặng Hùng Võ ký lưu niệm sách cho bạn đọc. Ảnh: L.Q.V

Có một thực tế của đời sống xã hội Việt Nam là việc trước GS Đặng Hùng Võ, không nhiều nhà khoa học hoạt động tích cực với báo giới, nhưng với Đặng Hùng Võ, ông đã nhận ra việc “khoa học cần báo chí cũng như báo chí cần khoa học”, bởi báo chí xưa nay là dòng chảy thông tin cần thiết cho hoạt động xã hội, nên “làm bạn với các nhà báo để họ tuyên truyền miễn phí về chính sách, pháp luật cho Nhà nước, thì dại gì không làm” và cho rằng, các cá nhân “khi làm quản lý cần phải có kiến thức khoa học, thì không phải ngại chia sẻ với báo chí”…

Qua các cuộc trò chuyện, trao đổi với các nhà báo, dễ thấy GS Đặng Hùng Võ là một người hóm hỉnh, khi tự nhận mình là người “dị tướng, ít tài, nhiều tật”, là “có tính phóng túng, có chất nghệ sĩ từ khi đi học đến khi đi làm, vì thế, bị nhiều thày giáo, những bậc đàn anh, thủ trưởng không ưa” và “làm MC thú vị hơn làm thứ trưởng”, nhưng “những lúc buồn nhất, tôi vẫn vui”… Còn khi trả lời về lời khuyên dành cho giới trẻ, ông chia sẻ chân tình: “Hãy cố gắng nhìn về tương lai trong 5 - 10 năm tới để rút ra những dự báo chuẩn xác nhất cho riêng mình”.

LÊ QUANG VINH

7 cuốn sách hay về làm giàu thay đổi cách nhìn của bạn

7 cuốn sách hay về làm giàu thay đổi cách nhìn của bạn

7 cuốn sách hay về làm giàu sẽ cho bạn biết hành trình làm giàu gian nan. Bạn phải làm gì để trở nên giàu có?