Đầu tư 10 triệu đồng vào cổ phiếu Eximbank lúc mới niêm yết, bây giờ bạn thu về bao nhiêu tiền?

11 năm trước, nếu lấy 10 triệu đồng mua cổ phiếu Eximbank, đến nay nhà đầu tư phải chịu lỗ gần một nửa vì mã EIB đã giảm đến 43% thị giá.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam được thành lập từ năm 1989. Đây cũng là một trong những ngân hàng đã thiết lập quan hệ đại lý quốc tế rộng rãi với 869 ngân hàng tại 84 quốc gia trên thế giới.

Nhà băng này lần đầu niêm yết trên HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) vào cuối tháng 10/2009 với mã EIB . Khối lượng niêm yết lần đầu là 876.226.900 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, mã EIB có thị giá 29.000 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm đó, nếu chi ra 10 triệu đồng để mua cổ phiếu Eximbank , ta thu về khoảng 345 cổ phiếu EIB . Kiên trì giữ lượng cổ phiếu đó đến nay, nhà đầu tư hiện đang thâm hụt gần một nửa số tiền của 11 năm về trước, chỉ còn hơn 5,7 triệu đồng.

Từ khi niêm yết đến nay, mã EIB đã giảm đến 43% thị giá, cuối tuần qua còn khoảng 16.550 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung, mã EIB từ đầu năm đến nay chỉ quẩn quanh mức 16.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu, giai đoạn nửa sau tháng 3 đến nửa đầu tháng 5 có khi gần chạm đáy 14.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, cổ phiếu của Eximbank chỉ xếp thứ 7/9 ngân hàng trong danh sách VN30. Tính chung cả danh sách, mã EIB chỉ xếp thứ 24.

“Vang bóng một thời”, Eximbank từng là ngân hàng cổ phần hàng đầu, được đánh giá như một tên tuổi lớn với khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ và huy động vốn hàng năm đều hơn 100.000 tỷ đồng.

Nhưng dần dà đến năm 2016, nội bộ của nhà băng này bắt đầu xung đột rõ mặt khi ĐHCĐ thường niên năm 2016 không thể tổ chức khiến cho mọi hoạt động càng ngày chệch choạc với tài sản tụt giảm và lợi nhuận “đổ đèo” về mức lỗ. Thời điểm ấy, mã cổ phiếu EIB của Eximbank còn bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp.

Năm 2018, Eximbank còn vướng phải bê bối khi để 245 tỷ đồng tiền gửi của bà Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú) “không cánh mà bay”. Đây cũng là năm lợi nhuận của Eximbank điều chỉnh giảm 52% so với kế hoạch. Sang năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tuột về mức thấp hơn so với 8 năm trước.

Trong vòng 5 năm qua, khoảng thời gian bằng cả nhiệm kỳ, ĐHCĐ của ngân hàng này liên tục bị hoãn, chỉ có một lần duy nhất diễn ra thành công là vào năm 2018. Điểm chung giữa các lần tổ chức ĐHCĐ bất thành là đều có sự thay đổi về  nhân sự cấp cao.

Báo cáo của Ban Kiểm soát chỉ rõ, chính những mâu thuẫn trong nội bộ HĐQT nhiệm kỳ qua đã ảnh hưởng tới hoạt động của Eximbank. Đặc biệt là vấn đề không bổ nhiệm được Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật và không tổ chức được các cuộc ĐHCĐ trong 2 năm 2019-2020.

Với đà giảm tài sản gần 7% trong quý I/2020, Eximbank lừng lãy một thời, giờ phải chịu cảnh nằm trong nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ với quy mô tương đương PVComBank, TPBank, SeABank hay MSB. Eximbank cũng là một trong số ít ngân hàng 5 năm liền không chia cổ tức cho cổ đông.

Trong quý II/2020, Eximbank chỉ ghi nhận được 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dù ở quý II/2019, Eximbank đạt 301 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2020 ở mức 2,1% tăng lên từ 1,75% đầu năm nay, tương đương tăng khoảng 30.000 tỷ đồng.

Sau hai lần tổ chức ĐHCĐ 2020 bất thành, HĐQT vừa có thông báo về việc mời họp ĐHCĐ Eximbank 2020 lần thứ 3. ĐHCĐ lần này sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/8 tại Hà Nội, thay vì TP.HCM như những lần trước. Nội dung của cuộc họp vẫn sẽ là thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2020 và giải quyết các vấn đề theo kiến nghị của cổ đông lớn.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương