"Đến lúc coi Covid là bệnh thông thường"

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng sau khi phủ vaccine diện rộng, Việt Nam nên coi Covid là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch.

Ngày 10/2, trả lời phỏng vấn VnExpress, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa, và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như kh bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị.

Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với Covid và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát. 

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đã đi qua đỉnh dịch và sang sườn dốc bên kia của dịch bệnh. Nghĩa là chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Còn để khẳng định tuyệt đối rằng Việt Nam đã có thể tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19 hay chưa thì cần có thời gian".

GS.TS Nguyễn Lân Hiếu
GS.TS Nguyễn Lân Hiếu

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói thêm ở các nước, chủng Omicron rất ít gây chuyển nặng và tử vong ở người trẻ, người đã tiêm vaccine. Số ca nặng chủ yếu là người già, người chưa tiêm. Thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ người phải điều trị hồi sức cấp cứu (ICU) xấp xỉ 1%, thấp hơn so với Delta.

Chúng ta cùng chờ đợi sự đáp ứng của xã hội với Omicron để tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19. Khi đó, Việt Nam có thể đưa Covid ra khỏi danh sách dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Tuy nhiên, Việt Nam không nên đợi đến lúc thế giới tuyên bố kết thúc đại dịch, mà cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, để thích ứng với giai đoạn hậu Covid. Trước hết, cần có các chính sách vĩ mô như sửa các điều luật, quy định, quy chế để ứng xử với Covid như các bệnh lý thông thường. 

Theo ông Hiếu, việc đếm ca Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh không hợp lý trong giai đoạn này. Số ca nhiễm bây giờ chưa phản ánh chính xác mức độ dịch. Ít nhất 50% số ca nhiễm hiện nay không làm xét nghiệm PCR, mà chủ yếu là test nhanh rồi tự cách ly tại nhà.

Do vậy, thay vì dựa vào số ca nhiễm, các cơ quan chuyên môn có thể phân loại cấp độ dịch dựa theo số bệnh nhân nặng theo từng cấp xã, huyện, tỉnh; đồng thời phải dựa vào năng lực của hệ thống y tế. Nếu năng lực điều trị bệnh nhân Covid của một địa phương nào đó hạn chế, số giường ICU quá tải (bệnh nhân ra ít hơn bệnh nhân vào) thì cần nâng cấp độ. Nếu số giường ICU vẫn còn dư, đủ khả năng luân chuyển bệnh nhân (bệnh nhân ra nhiều hơn bệnh nhân vào) thì được hạ cấp độ.

Tương ứng với cấp độ dịch, các địa phương quyết định việc đóng hay mở. Nhưng việc đóng - mở cần có nguyên tắc rõ ràng, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Thời gian qua, nhiều phường ở Hà Nội liên tục đóng - mở, vừa không hiệu quả về chống dịch mà còn cản trở việc làm ăn, buôn bán, phục hồi kinh tế, gây bức xúc cho người dân.

Các biện pháp phòng chống dịch cũng cần áp dụng thống nhất, sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn khi xếp hàng lên máy bay, mọi người được yêu cầu giãn cách, nhưng khi lên rồi thì lại ngồi cạnh nhau. Học sinh đã đến trường nhưng không được ăn bán trú... Những quy định như thế này cần hạn chế tối đa, tránh gây bức xúc cho người dân.

Khi mở cửa, các hoạt động đang trở lại bình thường, thì trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng rất quan trọng.

Về vấn đề giai đoạn hậu Covid, cách ứng xử với người nhiễm, người nghi nhiễm cần thay đổi như thế nào, ông Hiếu cho rằng khi đã coi Covid là bệnh lý thông thường, thì các quy định trước đây cũng cần nới lỏng. Chẳng hạn nếu người nhiễm sau 4-5 ngày điều trị, xét nghiệm âm tính thì có thể đi làm lại bình thường. Cần coi việc bị nhiễm Covid là thông thường, không hoảng sợ quá. Cộng đồng cũng cần thay đổi cách ứng xử với họ, không nên xa lánh, kỳ thị người nhiễm Covid.

Tuy nhiên, cần tránh hai thái cực, thứ nhất là chủ quan, coi Covid chẳng có gì nguy hiểm, bởi chúng ta có thể vô tình lây cho ông bà, bố mẹ hoặc người nhà chưa tiêm vaccine, nguy cơ cao. Ngược lại, không cần quá căng thẳng khi biết mình bị nhiễm bệnh hoặc đã tiếp xúc với người nhiễm.

Với độ bao phủ vaccine diện rộng và chủng Omicron đang lây lan nhanh, sẽ ít xảy ra bùng phát dịch bệnh với tỷ lệ tử vong cao như trước đây nữa.

Thanh Mai

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam hợp tác với Novaland

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam hợp tác với Novaland

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset Securities) vừa ký kết hợp tác cùng Novaland trong nhiều lĩnh vực.

Đọc nhiều nhất