Điện ảnh của chúng ta có quá nhiều mục đích và khát khao, nhưng lại thiếu đi một thái độ tôn trọng và tình yêu thực sự với con người và văn hóa dân tộc. Chúng ta hy sinh và dụng công quá ít, nhưng lại đổ lỗi quá nhiều. Cho nên việc “mang chuông đi đánh xứ người” lâu nay vẫn trở nên nhạt nhòa và khó gây được dấu ấn, do chúng ta “nửa vời” trong việc làm phim.
Tháng 3 vừa qua, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm chiến thắng 34 giải thưởng quốc tế lớn nhỏ và lọt vào top 15 đề cử Oscar lần thứ 95. Có lẽ lâu lắm rồi, một bộ phim mang đậm bản sắc thiên nhiên và con người Việt Nam đã ghi dấu trên một đấu trường quốc tế.
Đáng ghi nhận hơn, bộ phim cũng được cả công chúng cùng cả giới chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao. Và có lẽ, cũng từ lâu lắm rồi, một bộ phim thuần không khí Việt với câu chuyện của những con người dân tộc thiểu số, không hề cố gắng “Tây hóa” để lấy lòng khán giả quốc tế nhưng đã “chạm” vào trái tim của tất cả.
Nhưng sự thực là, chúng ta đã không có nhiều những cách kể chuyện đầy không khí bản địa như “Những đứa trẻ trong sương”.
“Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm chiến thắng 34 giải thưởng quốc tế và lọt top 15 đề cử Oscar lần thứ 95. |
Câu chuyện điện ảnh Việt “đi đánh xứ người” dường như là một chuyện vừa quen vừa lạ với tất cả công chúng. Bởi chúng ta vẫn nghe về những bộ phim đi tham dự giải quốc tế, nhưng gần như ở trong nước, đó là những bộ phim xa rời và khó hiểu với đại chúng như phim “Vị” của Lê Bảo, “578: Phát đạn của kẻ điên” của Lương Đình Dũng… hoặc cả những phim từ trước đó như “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” của đạo diễn Phan Đăng Di, “Người vợ ba” của Ash Mayfair…
Tất nhiên, việc các nhà làm phim của chúng ta theo chân được cuộc chơi của thị trường quốc tế là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, giữa cơn khát của việc chinh phục thị trường quốc tế, dường như điện ảnh Việt đương đại trở nên “mất đà” trong định hướng làm phim, dần mất đi bản sắc.
Và thay vì đi khai thác những câu chuyện Việt Nam để đưa ra quốc tế, các nhà làm phim Việt lại “quá tay” trong việc thêm nếm các yếu tố Tây phương. Với mục đích khá rõ rệt để “chen chân” được vào thị trường phương Tây, nhiều phim Việt bất chấp yếu tố dân tộc, khiến cho những bộ phim này bị chơi vơi giữa nghệ thuật và thương mại. Thậm chí, nhiều bộ phim khiến khán giả trong nước gần như khó hiểu, hoang mang, thậm chí gây tranh cãi và ức chế.
Các nhà làm phim Việt thường ít nhiều công kích thị trường trong nước kém hiểu biết, ưa thích hài nhảm và dòng phim sến súa, và thường kể lể về tiền đầu tư cũng như doanh thu. Nhưng dường như, sự mất định vị và vốn hiểu biết về văn hóa không dày dặn khiến cho nhiều tác phẩm “thua cuộc” ngay trên chính đất nước mình, như phim “Kiều” của Mai Thu Huyền, hay “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa”…
Nhìn ra thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy một “cường quốc điện ảnh” dù non trẻ nhưng đang phát triển với tốc độ chóng mặt đó là Hàn Quốc. Với mục tiêu dùng điện ảnh để quảng bá văn hóa và đời sống, điện ảnh Hàn ở các phim dù lớn dù nhỏ, đều mang hơi thở của đời sống Hàn Quốc đương đại đậm đặc. Dù mang nội dung về chính trị, kinh tế, điều tra, hay gần gũi hơn là ẩm thực, hôn nhân gia đình… các biên kịch, đạo diễn Hàn Quốc đều tôn trọng văn hóa bản địa của họ lên trước nhất. Họ chinh phục người Hàn trước khi chinh phục toàn thế giới.
Hay một “Hollywood phương Đông” gạo cội hơn là Trung Quốc, một thế hệ đạo diễn lẫy lừng của điện ảnh Hoa ngữ như Lý An, Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ… tất cả đều là những câu chuyện Trung Hoa với bề dày văn hóa. Các nhà làm phim biết tôn trọng văn hóa dân tộc mình trước tiên, rồi mới có thể làm nó trở nên đẹp đẽ và chinh phục thế giới.
Dù bị chê bai và gây tranh cãi nhưng các bộ phim của Trấn Thành vẫn gây bão phòng vé với một không khí thị dân Sài Gòn đậm nét. |
Điện ảnh của chúng ta có quá nhiều mục đích và khát khao, nhưng lại thiếu đi một thái độ tôn trọng và tình yêu thực sự với con người và văn hóa dân tộc. Chúng ta hy sinh và dụng công quá ít, nhưng lại đổ lỗi quá nhiều. Cho nên việc “mang chuông đi đánh xứ người” lâu nay vẫn trở nên nhạt nhòa và khó gây được dấu ấn, do chúng ta “nửa vời” trong việc làm phim.
Dù nhiều năm nay, Việt Nam vẫn gần như đều đặn gửi phim đến tham dự các giải đấu quốc tế và đã có một vài những chiến thắng khiêm tốn như “Song lang” tại Liên hoan phim châu Á tại Ai Cập 2019, hay “Áo lụa Hà Đông”, “Chuyện của Pao” với những top đề cử…
Dường như điện ảnh Việt sau nhiều năm vẫn mãi loay hoay với con đường chinh phục quốc tế. Nhưng cả con đường kiên trì bền bỉ để trở thành một “thế lực văn hóa toàn cầu” như Hàn Quốc đã làm trong 10 năm qua, hay con đường thông qua kinh tế như điện ảnh Trung Quốc đã làm mấy năm gần đây thì chúng ta đều không làm được cho tới.
Thực tế, khán giả Việt, đặc biệt là khán giả trẻ hiện nay dành nhiều tình cảm và chưa từng quay lưng lại với những tác phẩm mang đậm văn hóa dân tộc, nếu chúng ta thực sự dành tâm huyết để làm ra những tác phẩm chất lượng.
Chuỗi phim “Lật mặt” của Lý Hải sau những loay hoay ban đầu, ở những phần gần đây khi đã định hình rõ nét hơn với văn hóa miền Tây, với những con người và cuộc sống rất gần gũi, đã gặt hái được doanh thu kỷ lục với gần 800 tỷ đồng.
Sự cố gắng của cả ekip bộ phim, với những kiên định trong ý tưởng và bản sắc là một hướng đi vô cùng đáng khen. Vì ngay cả quốc tế, gần như không có nhiều phim duy trì được phong độ ở những phần phim tiếp theo. Hay như “Bố già”, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành dù bị chê bai và gây tranh cãi về những phương thức làm phim thực dụng, “mì ăn liền” trong kịch bản với những câu đạo lý khiên cưỡng, thì bộ phim vẫn gây bão phòng vé với một không khí thị dân Sài Gòn đậm nét. Khán giả thấy mình trong đó.
Hay như tháng 5 vừa qua, poster phim “Đất rừng phương Nam” ra mắt ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Điều đặc biệt là, không chỉ khán giả lớn tuổi, những người đã gắn bó với bộ phim cả thời thanh xuân, mà cả khán giả trẻ ở lứa tuổi Gen Z hay 9x đều vô cùng trông đợi phiên bản điện ảnh của bộ phim.
Tất nhiên, phim hay hay dở còn nằm ở tương lai. Nhưng điều đó thể hiện một tín hiệu vô cùng đáng mừng, rằng người Việt chưa từng quay lưng với những tác phẩm mang màu sắc Việt. Và thực tế, một bộ phim thành công bất chấp khán giả trong nước ghẻ lạnh, thì trên thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và thường một bộ phim thành công ở quốc tế mà bị tẩy chay ở trong nước, phần lớn do các scandal hay các vấn đề chính trị nhạy cảm, hầu như không phải do chất lượng bộ phim.
Tất nhiên, ai đó sẽ nói rằng cuộc chơi của điện ảnh trong nước và quốc tế là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nghệ thuật tử tế và sự hiểu biết văn hóa, sự trải nghiệm đều có những công thức và tiêu chuẩn chung. Một bộ phim được đầu tư nhiều văn hóa, với sự sáng tạo và nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ, cách kể chuyện hợp với thị trường, đó là những điều không thể thiếu cho một tác phẩm thành công.
Câu chuyện xuất khẩu điện ảnh và văn hóa dân tộc là câu chuyện lớn mang tầm vóc vĩ mô, đôi khi không chỉ nằm ở những nhà làm phim. Tuy nhiên, cách thức, thái độ, và tâm huyết thì lại nằm ở mỗi nhân tố trực tiếp làm ra bộ phim. Chúng ta không thể mãi đổ lỗi cho khán giả và thị trường khi chưa nhìn lại mình. Vì có thước đo chất lượng nào tốt hơn sự yêu mến của khán giả.
Và cùng với đó, cần lắm một tầm nhìn dài hạn, một sự đầu tư đồng bộ từ nhiều bên có liên quan chung tay xây dựng mới mong một ngày điện ảnh nước nhà cũng như văn hóa Việt Nam có chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh và văn hóa thế giới.
Phim cổ trang: Cuộc chơi đắt đỏ và nhiều rủi ro của điện ảnh Việt
Nhiều phim cổ trang chưa thực sự chỉn chu trong việc “điện ảnh hóa” lịch sử dân tộc, giúp người Việt thêm yêu sử Việt như mục đích tốt đẹp của nó.