Điện ảnh Hollywood và văn hóa Á Đông: Tôn vinh hay chiếm dụng?

Hollywood được coi như “ông lớn”, với thị phần lớn mạnh, góp phần thúc đẩy và nâng đỡ nhiều nền điện ảnh của nhiều quốc gia nhỏ hơn.

Phải chăng, cũng đã đến lúc chúng ta nghĩ đến một “đế chế” điện ảnh mới, để tạo sự cân bằng về vị thế, như một cuộc thi đủ lớn, hoặc một sân chơi mà người Á Đông đĩnh đạc hơn trong vai trò chủ nhà, vai trò của những người “làm chủ cuộc chơi”.

Trong vài năm trở lại đây, có thể dễ dàng bắt gặp những dấu ấn của văn hóa Á Đông trong những bộ phim đình đám của Hollywood. Văn hóa Á Đông, với nhiều những bí ẩn và huyền bí dường như luôn là đề tài hấp dẫn với công chúng phương Tây.

Chỉ tính riêng mảng phim hoạt hình cho thiếu nhi từ đầu năm đến nay đã có “Turning Red” và “Minions” đều có màu sắc châu Á, “Paws of Fury: The Legend of Hank” với văn hóa Nhật Bản được khai thác một cách thú vị. Năm 2021, “Raya and the last dragon”, “Eternals” hay “Shangchi” đều là những “bom tấn” với những dấu ấn Á Đông vô cùng rõ nét.

Nhiều phim hoạt hình hiện nay đều mang màu sắc châu Á.
Nhiều phim hoạt hình hiện nay đều mang màu sắc châu Á.

Tuy nhiên những nỗ lực khai thác văn hóa Á Đông của phương Tây dường như đang gây nhiều tranh cãi. Trong nhiều tác phẩm, thay vì tôn vinh và quảng bá những giá trị tốt đẹp, nhiều nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn đã biến châu Á trở nên méo mó, tiêu cực một cách đáng buồn.

Ở một số trường hợp, người ta gọi đó là hiện tượng “chiếm dụng văn hóa”.

Chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) là thuật ngữ thường được nhắc đến trong thời gian gần đây, để nói đến việc sử dụng những phong tục truyền thống của một nền văn hóa mà thiếu sự tìm hiểu/hoặc hiểu sai về nền văn hóa đó. Sự chiếm dụng văn hóa này diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực từ thời trang, âm nhạc, điện ảnh… Và thường diễn ra trong những cộng đồng văn hóa lớn như châu Âu, châu Mỹ với những cáo buộc về việc chiếm dụng các cộng đồng văn hóa nhỏ và được coi là yếu thế hơn như châu Á, châu Phi, hay những người thuộc giới LGBT.

Ở bài viết này chỉ xin được bàn về khía cạnh của điện ảnh, và cụ thể là điện ảnh Hollywood đã chiếm dụng văn hóa Á Đông như thế nào?

Năm 1961, “Breakfast at Tiffany’s” của đạo diễn Blake Edwards, trong bộ phim có một nhân vật người Nhật có tên là Yunioshi (trong phim thậm chí còn không được đóng bởi một diễn viên châu Á mà là do một diễn viên người Mỹ mang tên Mickey Rooney hóa trang). Đó là một nhân vật được mô tả là “một tên mọt sách răng vẩu khó ưa”. Và hình ảnh đó được lan tỏa cùng sự nổi tiếng của bộ phim. Cho đến khi ngôi sao võ thuật châu Á Lý Tiểu Long xuất hiện, tình hình mới được cải thiện đôi chút.

Nhưng cũng kể từ đó, diễn viên châu Á lại luôn bị đóng khung vào những vai diễn hành động, thích đánh đấm, gắn liền với kung-fu. Đôi khi còn là những sát thủ đánh thuê, lạnh lùng, ác độc, chỉ biết đánh và giết theo lệnh của người khác mà không cần suy nghĩ, không có tính cách hay câu chuyện nổi bật.

Cho đến khi Thành Long và dòng hành động hài xuất hiện, đã tạo ra những nhân vật ngây ngô hài hước, khiến khán giả bật cười bởi trình độ tiếng Anh kém cỏi dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Tuy là phim do chính người châu Á sản xuất để chiều thị trường, nhưng qua đó có thể phần nào hiểu được thị hiếu của phương Tây khi đó.

Bộ phim
Bộ phim "Crazy rich Asians" đánh dấu cột mốc tư duy làm phim mới của Hollywood về châu Á.

Cho đến tận 2018, phim “Crazy rich Asians” ra đời đánh dấu một cột mốc mới về tư duy làm phim của Hollywood về châu Á. Mà cụ thể ở đây là câu chuyện về gia tộc siêu giàu ở Singapore. Bộ phim thành công gây sốt màn ảnh năm 2018 nhưng nhanh chóng bị quên lãng, và lọt thỏm giữa thị trường điện ảnh phương Tây vẫn chưa quen với hình ảnh những người châu Á giàu có, sang trọng và thành đạt.

Và kể từ đó chúng ta đón nhận thêm nhiều bộ phim Hollywood với cái nhìn về châu Á như “Parasite”, “The farewell” (Trung Quốc), hay “Minari” (Hàn Quốc)… những bộ phim tiêu biểu trong thời gian gần đây.

“The farewell” một bộ phim thuần Trung Quốc với những mỉa mai về một quốc gia có nền kinh tế số 2 của thế giới nhưng vẫn còn nhiều hủ tục và kém văn minh, thiếu tình người. Các nhân vật trong phim luôn tự hào nói ở Trung Quốc trở thành triệu phú USD rất dễ dàng, nhưng ai có đủ tiềm lực tài chính cũng đưa con cái đi du học Mỹ, rồi định cư luôn không về. Một hiện thực xót xa và đầy đả kích.

Hay như “Minari” một bộ phim của Hollywood làm về gia đình Hàn Quốc nhập cư. Những con người mang “Giấc mơ Mỹ” để khởi nghiệp nơi đất khách, nhưng đến cuối cùng vẫn trở về với bàn tay trắng.

Chỉ ngay trong năm nay bộ phim đa vũ trụ gây sốt trên Netflix “Everything Everywhere All at Once”. Bộ phim được khen ngợi là bộ phim về đa vũ trụ hay nhất năm nay, vượt qua cả Dr Strange. Thì nội dung bộ phim mô tả một gia đình người Trung Quốc định cư ở Trung Quốc bằng một cửa hàng giặt là. Và một năm vài lần họ phải đau đầu với đống hóa đơn và tìm cách được giảm thuế. Hollywood đã biến người Trung Quốc nhập cư như là những con người gian lận tiền thuế của chính phủ Mỹ, sống nhờ vào lòng trắc ẩn và những chính sách thuế nhân đạo của Mỹ.

Hay nổi tiếng nhất là “Parasite” của Bong Joon Ho - bộ phim châu Á đầu tiên đạt giải Oscar ở thể loại Phim hay nhất. Một câu chuyện bi đát với những con người Hàn Quốc nghèo khổ và đầy mưu mô, mánh lới. Một câu chuyện mang màu sắc “hài đen” châm biếm nhưng đầy xót xa.

Tác phẩm của đạo diễn Hàn Quốc
Tác phẩm của đạo diễn Hàn Quốc "Parasite" trở thành bộ phim châu Á đầu tiên đoạt giải Oscar.

Những ví dụ nêu trên là một vài những biểu hiện tinh vi của sự chiếm dụng văn hóa đáng tiếc trong điện ảnh. Đây có thể là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Vì việc khai thác và kể những câu chuyện về phong tục của một cộng đồng khác là một điều không dễ dàng. Nếu không có sự nghiên cứu, tìm tòi một cách công tâm và có trách nhiệm, đôi khi là cả tình yêu và niềm đam mê.

Cũng như trong dòng chảy của lịch sử điện ảnh toàn cầu, Hollywood được coi như “ông lớn”, với thị phần lớn mạnh, góp phần thúc đẩy và nâng đỡ nhiều nền điện ảnh của nhiều quốc gia nhỏ hơn. Tuy nhiên, ngự trị trên “ngai vàng” quá lâu cũng dễ khiến bất cứ một “thế lực” nào đó bị rơi vào “tự mãn”, hoặc phiến diện một chiều.

Quan điểm của người viết bài cho rằng, muốn mọi thứ chính xác và chân thực, không có gì bằng các nhà sản xuất, các nghệ sĩ tự kể câu chuyện của mình. Còn khi phải mượn tiếng nói của một quốc gia bên thứ ba, ít nhiều sẽ có cách diễn giải và quan điểm của riêng mình. Và sẽ không tránh khỏi bị sai lệch ít nhiều.

Phải chăng, cũng đã đến lúc chúng ta nghĩ đến một “đế chế” điện ảnh mới, để tạo sự cân bằng về vị thế, như một cuộc thi đủ lớn, hoặc một sân chơi mà người Á Đông đĩnh đạc hơn trong vai trò chủ nhà, vai trò của những người “làm chủ cuộc chơi”. Thay vì phải “đem chuông đi đánh xứ người” và phải “nương theo” cái nhìn đôi khi chưa có sự công bằng cần thiết của cộng đồng khán giả da trắng.

Nguyễn Đình Lâm

Đạo diễn 'Parasite' được vinh danh trong top '100 người ảnh hưởng nhất' thế giới

Đạo diễn "Parasite" được vinh danh trong top "100 người ảnh hưởng nhất" thế giới

"Năm qua, Bong Joon Ho vươn lên như một mặt trời mới trong làng điện ảnh thế giới", bài giới thiệu Bong Joon Ho trên Time viết.