Trước đây, ngay tại Đông Á, so với điện ảnh Nhật Bản, nơi nhiều đạo diễn có ngôn ngữ kể chuyện riêng biệt, hay Trung Quốc với những nhà làm phim tiên phong của thế hệ đạo diễn thứ 5, thứ 6 vừa thoát vòng kiểm duyệt để vươn tầm quốc tế, phim Hàn Quốc gần như không gây được chú ý của giới chuyên môn, với doanh thu hàng năm vô cùng hạn chế.
Từng bước đầu tư toàn diện từ nhân sự, cơ chế đến đầu tư tài chính, dần dần những nhà làm phim xứ kim chi có những bước tiến chậm mà chắc trên bản đồ điện ảnh thế giới, sau đó dần tăng tốc. Hiện nay nhanh chóng chiếm lĩnh nhiều thành tựu mà ngay cả các ông lớn lâu năm của nền điện ảnh thế giới cũng phải kiêng dè.
Miệt mài đem chuông đi đánh xứ người
Thời kỳ đầu sau chiến tranh thế giới thứ 2, các nhà làm phim Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục ngành nghệ thuật thứ bảy và không ngại kiếm tìm cơ hội vươn ra thế giới.
Năm 1961, The Coachman của đạo diễn Kang Dae Jin được đề cử giải Gấu Vàng và chiến thắng giải Gấu Bạc giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại LHP Berlin lần thứ 11, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử phim Hàn chiến thắng một giải thưởng quốc tế chính thức. Năm 1962, bộ phim To the Last Day của đạo diễn Shin Sang Ok tham gia LHP Berlin lần thứ 12 cũng thắng giải Gấu Bạc và giải Diễn viên nhí xuất sắc nhất cho Jeon Young Seon. Sau đó, đạo diễn Shin bị phía Triều Tiên bắt cóc để sản xuất phim từ cuối những năm 1970 rồi bặt vô âm tín. Đây cũng là thời kỳ đen tối của người làm sáng tạo xứ này khi chế độ độc tài tài quân sự từ những năm 1970 đã kìm nén ngành điện ảnh nói riêng và văn hoá giáo dục nói chung trong một thời gian dài. Chỉ đến khi phong trào dân chủ hóa quốc gia vào những năm 1980 bắt đầu, luật kiểm duyệt được bãi bỏ và việc tài trợ phim chuyển sang các nhà sản xuất độc lập, các nhà làm phim mới có cơ hội tiếp tục nhiều dự định ấp ủ.
Thời gian đầu với nổ lực chấn hưng điện ảnh sau chiến tranh, hầu hết các nhà làm phim Hàn đều chọn việc làm nên các tác phẩm phục vụ khán giả trong nước trước. Tuy nhiên, có những người thấy vậy là không đủ, để sớm khởi động lại con đường vươn ra thế giới của mình.
Im Kwon Taek là người Hàn Quốc hiếm hoi kiên trì trong việc phấn đấu và gây được dấu ấn bằng con đường chinh phục các giải thưởng quốc tế. Bộ phim The Surrogate Woman năm 1986 do ông làm đạo diễn tiến đến Liên hoan Phim quốc tế Venice lần thứ 44 "không kèn không trống" tại thời điểm khán giả trong nước cũng mới dần dần tiếp cận các phim Âu Mỹ trở lại, không biết tới các phim Hàn Quốc ra nước ngoài ra sao. Nhưng khi nữ chính Kang Soo Yeon giành được giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc, bộ phim trở thành tác phẩm điện ảnh khiến phụ nữ nước này tự hào và mong mỏi có thêm nhiều tác phẩm làm về họ.
Sau đó, bộ phim ChunHyang cũng do Im Kwon Taek thực hiện vào năm 2000 trở thành bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được chọn để tranh giải Cành cọ Vàng, đưa đạo diễn Im Kwon Taek thành nhân vật tiên phong của thời kỳ điện ảnh Hàn Quốc trở lại hưng thịnh. Năm 1988, tiếp tục là một phim của đạo diễn Im Kwon Taek được vinh danh tầm quốc tế. Tác phẩm Adada của ông đã đem về giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Shin Hye Soo tại LHP Thế giới Montreal. Năm 1989, Im tiếp tục có Come Come Come Upward với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kang Soo Yeon tại LHP Moscow. Đến năm 2002, đạo diễn Im Kwon Taek đến Cannes cùng bộ phim Chi-hwa-seon, có sự tham gia của hai tài tử Choi Min Sik và Ahn Sung Ki, cũng là phim ngọc nữ Son Ye Jin tham gia, được đánh giá cao về diễn xuất. Tác phẩm đã đem về cho ông giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Tiếp bước nhà làm phim họ Im, nhiều đạo diễn Hàn Quốc đóng góp vào đường đua giải thưởng điện ảnh quốc tế những câu chuyện độc đáo của mình.
Cựu giáo viên ngôn ngữ, tác giả văn học Lee Chang Dong, vào nghề điện ảnh với vai trò biên kịch. Khi trở thành đạo diễn, ông chú tâm mô tả hiện thực đen tối của Hàn Quốc, đồng thời theo đuổi lối kể chuyện giản dị mà không kém phần bạo liệt. Gia tài phim không nhiều, bị gián đoạn do có khoảng thời gian đạo diễn làm công tác quản lý, nhưng tất cả các phim của ông đều là con cưng được dọn đường đến các LHP uy tín.
Bộ phim đầu tay Green Fish đề tài xã hội đen, kể về người đàn ông tên Mak-dong trở về nhà từ quân đội và vô tình vướng vào mối quan hệ với các thành viên của một băng đảng. Phim mang về giải Dragons and Tigers Award tại LHP Quốc tế Vancouver, một LHP hạng 2 uy tín ở khu vực Bắc Mỹ. Ông tiếp gây chú ý hơn với Peppermint Candy (2000), có sự tham gia của Sol Kyung Gu và Moon So Ri kể về khủng hoảng của những người trẻ tuổi đối diện với những biến cố lịch sử quan trọng như khủng hoảng IMF, chế độ độc tài trong những năm 80, phong trào dân chủ năm 1980 và còn nhiều hơn thế nữa. Peppermint Candy được đưa vào danh sách những bộ phim châu Á hay nhất lịch sử.
Lee tiếp tục vươn tầm danh tiếng quốc tế với bộ ba tác phẩm tâm lý tội phạm có màu sắc đen tối thực hiện sau khi ông rời vị trí chức vụ Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, bao gồm Secret Sunshine (2007), Poetry (2010) và Burning (2018). Oasis có cặp đôi diễn viên từng góp mặt trong Peppermint Candy tác phẩm trước đó của Lee Chang Dong là Sol Kyung Gu và Moon So Ri. Phim giành được chiến thắng giòn giã tại LHP Venice giải kịch bản, giải thưởng cho đạo diễn xuất sắc và giải cho diễn viên mới xuất sắc nhất (Moon So Ri). Tiếp đó, bộ phim Secret Sunshine của họ Lee, kể về người mẹ đơn thân có con trai bị giết hại để rồi rơi vào tuyệt vọng, khủng hoảng.
Bi kịch chồng chất của người phụ nữ sự thể hiện xuất sắc của Jeon Do Yeon đã tham gia tranh giải chính thức tại LHP Cannes lần thứ 60 và mang về giải ảnh hậu cao quý cho nữ chính. Tiếp tục khai thác số phận bên lề, bộ phim sau đó của Lee, Poetry kể về một bà lão hiền lành 60 tuổi, có cảm hứng đặc biệt với thơ ca nhưng lại mắc bệnh Alzheimer cùng với nỗi dằn vặt khi đứa cháu trai gián tiếp gây nên cái chết của một cô bé tại trường học cùng với số tiền đền bù là 5 triệu won mà gia đình Mija không thể nào chi trả nổi. Lối kể chậm rãi nên thơ nhưng ám ảnh, cùng diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên gạo cội Yun Jeong Hie trong vai Mija đã khiến Poetry đi đến nhiều LHP lớn và giành chiến thắng ở giải thưởng Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2010. Sau Poetry, Lee Chang Dong vắng mặt một thời gian dài và mãi 8 năm sau mới trở lại với bộ phim Burning, được nhiều nhà phê bình ca ngợi. Burning không chỉ là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài ba, mà còn là cú trở mình của hàng loạt nghệ sĩ, nằm trong danh sách cấm vận, hạn chế hoạt động nghệ thuật dưới thời cựu Tổng thống Park Geun Hye.
Một nhà làm phim miệt mài đi thi khác là Kim Ki Duk, đạo diễn với phong cách cực đoan và lối làm việc gây tranh cãi về việc lạm dụng nữ diễn viên, đã chinh chiến giành được những giải thưởng quốc tế như Sư tử vàng của Liên hoan phim Venice cho Pieta (2012) hay Gấu bạc cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin nhờ Cô gái Samaritan. Samaritan Girl không phải là một tác phẩm ăn khách tại Hàn và được đón nhận nhiều hơn tại nước ngoài. Sau chiến thắng tại Berlin, bộ phim được mời tới nhiều LHP quốc tế khác. Năm 2004, 3-Iron (Căn Nhà Trống) của ông được đề cử hàng loạt giải thưởng, chiến thắng giải Sư tử Bạc tại Venice cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim xoay quanh tình yêu "không lời" giữa một gã lang thang và một người vợ bị bạo hành. Năm 2012, Pietà thắng giải Sư tử Vàng, giải thưởng cao quý nhất tại LHP Venice lần thứ 69. Cũng giống như nhiều tác phẩm trước và sau này của Kim, Pietà gây tranh cãi nặng nề và để lại nhiều thương tổn tinh thần cho không ít người xem sau khi theo dõi.
Theo đuổi đề tài báo thù và tạo nên các tác phẩm thoạt đầu khó xem, Park Chan Wook cũng là cái tên nhẵn mặt của giải thưởng quốc tế. Năm 2004, Oldboy của thắng Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Cannes và được Chủ tịch hội đồng giám khảo Quentin Tarantino khen ngợi hết lời. Năm 2009, ông đem về giải Jury (Giải Ban giám khảo) Cannes cho điện ảnh Hàn Quốc với phim kinh dị về ma cà rồng Thirst, cũng là bộ phim táo bạo để nam nhân vật hoàn toàn khoả thân mặt trước trong phim. Đạo diễn Hong Sang Soo, người nhận giải Gấu bạc cho The Woman Who Ran (2020) là cá nhân tài năng khác với những bộ phim kinh phí hạn chế, khai thác diễn biến nội tâm phức tạp của nữ giới. Nàng thơ trong phim ông - Kim Min Hee cũng là người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Gấu bạc cho Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin nhờ bộ phim On the Beach at Night Alone(2017). 17. Cùng năm, cô lên ngôi Ảnh hậu tại LHP Gijón (Tây Ban Nha).
Ba năm trở lại đây, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, điện ảnh Hàn luôn ghi dấu tại Big3 Liên hoan phim danh giá nhất và đại thắng tại các giải thưởng thu hút sự quan tâm công chúng. Tiêu biểu trong không thể không nhắc đến Parasite – Ký sinh trùng, chiến thắng Cành cọ vàng Cannes (tháng 5-2019), sau đó tiếp tục giành được gần 50 đề cử và giải thưởng điện ảnh trên toàn thế giới. Đặc biệt, phim làm nên lịch sử giải Oscar khi giành được kỷ lục 4 giải Oscar tại lễ trao giải Oscar 2020, bao gồm cả việc trở thành phim không phải tiếng Anh đầu tiên giành giải Phim hay nhất. Giải thưởng cao quý chưa đủ để xác nhận vị trí đẳng cấp sánh cùng các nền điện ảnh lớn Pháp Nhật Mỹ của Hàn Quốc trong nền điện ảnh truyền thống vốn phân thứ bậc và đòi hỏi một quá trình phấn đấu lâu dài toàn diện, thế nhưng những thành tích đều đặn đó cho thấy vị thế của điện ảnh đất nước củ sâm trên trường quốc tế rõ ràng đang ngày càng tăng lên.
Tận dụng mọi cơ hội hợp tác quốc tế
Không khó để nhận ra, phim Hàn ở các LHP lớn, ngay cả ở hạng mục tranh giải chính thức hay thể nghiệm, hiếm khi buồn tẻ thử thách kiên nhẫn hay gây khó chịu để khán giả phải bỏ ra ngoài như nhiều phim đoạt giải của nền điện ảnh Anh Pháp Nhật Mỹ. Báo giới liên tiếp đưa tin về những tràng vỗ tay kéo dài hay cách các ngôi sao có phim tham dự xuất hiện lịch thiệp trên thảm đỏ, thay vì các chiêu trò hở ngực hay các những cú ngã "bất thường" trước thảm đỏ. Dù đến liên hoan phim với mục đích gì, nhà làm phim Hàn Quốc mấy chục năm qua đều chọn ưu tiên thứ ngôn ngữ quan trọng nhất là phim ảnh, sau đó mới đến thời trang hay hậu trường của ekip.
Liên hoan phim, đối với họ, không chỉ là một cơ hội thi thố, hơn thế bản chất đây chính là sự kiện của hội ngộ của hợp tác quốc tế trong sản xuất, phát hành. Nhà làm phim Hàn Quốc không bỏ lỡ cơ hội đó để mở rộng danh tiếng của đội ngũ trong nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế nhằm phát huy trên một thị trường cạnh tranh hơn và rộng lớn hơn. Liên tục cử đại diện tham dự Liên hoan phim, người Hàn cũng tổ chức nhiều liên hoan phim quốc tế và các hoạt động bên lề sôi nổi, trong đó phải kể đến hệ thống phát triển điện ảnh châu Á từ LHP quốc tế Busan: từ phim ngắn, phim dài, đào tạo sản xuất phim, hội chợ mua bán trao đổi bản quyền… Cũng không phải ngẫu nhiên nhiều năm trở lại đây, các nhân sự chủ lực của điện ảnh Hàn như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, nhà sản xuất, nhà tiếp thị…đều có trình độ tiếng Anh tiếng Nhật tiếng Hoa tốt, được du học bài bản ở Âu Mỹ hay thạo việc kết nối giữa các nền điện ảnh khác với xứ sở kim chi.
Rất nhiều kịch bản gốc của Hàn Quốc được bán lại hay nhượng quyền remake, mặt khác, Hàn Quốc cũng mua lại làm phiên bản của mình với các câu chuyện đến từ Tây Ban Nha, Ý hay Mỹ. Với tinh thần cởi mở, chuyên môn vững vàng và vốn ngoại ngữ dắt lưng, nhiều dự án hợp tác quốc tế đã mang lại cho Hàn Quốc thêm nhiều cơ hội khuếch trương tầm ảnh hưởng của mình.
Bong Joon-ho, đạo diễn gây chú ý nhất trên phạm vi quốc tế của điện Hàn Quốc đương đại, thực ra, đã chuẩn bị rất lâu, rất công phú cho quá trình tạo nên thành tựu toàn cầu của mình. Sinh năm 1969 tại Daegu, Hàn Quốc, ông có cha là nhà thiết kế đồ họa, giám đốc nghệ thuật của hãng sản xuất phim quốc gia và mẹ làm nội trợ. Ông nội của Bong Joon Ho cũng một nhà văn danh tiếng thời chiến tranh. Bong đam mê làm phim từ thời cấp 2, theo đuổi ước mơ của mình bằng việc xem thật nhiều phim kinh điển trong thư viện gia đình và thảo luận mọi điều về phim ảnh với bạn học, người thân. Lên đại học, ông đăng kí vào chuyên ngành xã hội học của Đại học Yonsei, Top3 trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc.
Bong Joon-ho |
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở lại trường học, Bong Joon-ho đồng sáng lập câu lạc bộ điện ảnh có tên Yellow Door. Đây là cái nôi giúp ông có được những bộ phim ngắn đầu tay. Song song đó, ông cũng hoàn thành chương trình đào tạo hai năm tại Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc. Với nền tảng vững chắc, Bong Joon-ho bắt đầu gây dựng phong cách kể chuyện riêng với việc vận dụng thể loại hài kịch đen kết hợp với sự giễu nhại sâu cay về những bất cập, mắc mứu trong xã hội hiện đại. Ông phát huy nét độc đáo trong phong cách làm phim của mình ở thủ pháp sự ẩn dụ, trừu tượng, đa tầng nghĩa trong các tác phẩm điện ảnh. Mỗi phim, Bong lại đưa ra mổ xẻ một vấn đề nóng bỏng không chỉ ở xứ kim chi mà còn nhiều nước trên thế giới, với các diễn viên không “đẹp hài hoà” theo lối thẩm mỹ thông thường mà cá tính nổi loạn với diễn xuất bằng mắt gây ám ảnh. Các tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như Memories Of Murder, The Host – Quái vật sông Hàn, Mother, Okja hay Snowpiercer. Đặc biệt bộ phim mới nhất Ký sinh trùng, với những thành tích đáng nể đưa Bong lên địa vị hàng đầu. Nhân vật của ông có thể không nói tiếng Anh, nhưng mang tầm phổ quát với các vấn đề bức thiết của đời sống. Ông cũng hợp tác với nhiều nhà quay phim, soạn nhạc tầm cỡ quốc tế.
Sau thành công trên nhiều đấu trường của Ký sinh trùng, đại diện tiếp theo của tiếng nói điện ảnh Hàn Quốc tại Hollywood là Minari, cũng gây được dấu ấn. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm đánh dấu hợp tác quốc tế, một bộ phim rất Mỹ dù cho nhân vật và câu chuyện của họ bắt nguồn từ Hàn Quốc. Quả cầu vàng đề cử và trao giải cho Minari ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vẫn còn gây tranh cãi vì đây đích thực là một bộ phim rất Mỹ, do Mỹ sản xuất, đạo diễn kiêm biên kịch là người Mỹ, hầu hết dàn diễn viên (chỉ trừ 2 người) đều có quốc tịch Mỹ, nói lên một vấn đề hiện sinh của nước Mỹ. Trong phim, một gia đình nhập cư Mỹ gốc Hàn vật lộn với chuyện mưu sinh và rào cản ngôn ngữ, văn hóa để hòa nhập với vùng đất nông thôn Arkansas. Ngoài đời, giải Quả cầu vàng thất bại trong việc vượt qua rào cản ngôn ngữ để công nhận Minari là một bộ phim Mỹ được làm nên bởi những người Mỹ đến từ một xứ sở của châu Á, mang dáng hình châu Á. Đạo diễn Lee Isaac Chung, người Mỹ gốc Hàn, người có cả tiếng Anh lẫn tiếng Hàn trong tên gọi nói về bộ phim dài của mình: “đó là bộ phim về một gia đình, một gia đình cố gắng học ngôn ngữ của riêng nó. Ngôn ngữ đó sâu sắc hơn so với ngôn ngữ tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào. Đó là ngôn ngữ của trái tim”. Thành công này khiến Lee trở thành ứng viên hàng đầu được lựa chọn cho dự án chuyển thể anime Your Nam của Nhật Bản thành phiên bản Live Action của Mỹ. Đánh bại nhiều ứng viên châu Á với bề dày thành tích khác khác, đạo diễn người Mỹ gốc Hàn ít tên tuổi hơn này đã nhận được sự công nhận của các nhà phê bình chuyên môn trong thời gian qua. Anh từng thành công rực rỡ với bộ phim đầu tay Munyurangabotại Liên hoan phim Cannes năm 2007 với danh hiệu Official Selection: Un Certain Regard - tức nằm trong "top 20 phim với phong cách khác thường và trình bày những câu chuyện phi truyền thống được giới chuyên môn công nhận".
Gần đây, trường hợp của Burning – đạo diện Lee Chang Dong hay Drive my car cũng là sự kết hợp thú vị của hai nền điện ảnh giàu thành tích của khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, từ câu chuyện gốc, bối cảnh, ê-kíp sản xuất, vừa ghi dấu ấn ở các giải thưởng lớn, vừa là những cú hút phòng vé vực dậy nền phim ảnh chịu hậu quả của biến động chính trị và dịch bệnh.
Ở Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 lần này, Hàn Quốc có tới 5 đại diện phim điện ảnh, ở cả hạng mục tranh giải và các hoạt động khác. Buổi công chiếu Hunt - bộ phim đầu tiên do Lee Jung Jae diễn viên ngôi sao Squid Game làm đạo diễn đã nhận được sự đón nhận của công chúng và đông đảo báo giới với những tràg vỗ tay. Song Kang Ho của Người môi giới Broker - đã trở thành người Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc của LHP uy tín hàng đầu thế giới, nối tiếp chuỗi đóng góp nổi bật của nam diễn viên có vẻ đẹp “xấu lạ” họ Kang ở các bộ phim tầm cỡ. Đây cũng là bộ phim đánh dấu hợp tác giữa Hàn và Nhật, là bộ phim tiếp theo đạt thành tích quốc tế của đạo diễn Nhật Bản Kore-eda, đã từng đạt giải cao với Shoplifters, Nobody knows hay After the Storm. Trong khi đó, Park Chan Wook bổ sung vào bộ sưu tập giải thưởng vốn đã rất ấn tượng chiếc cúp Đạo diễn xuất sắc. Ông chiến thắng giải thưởng này nhờ bộ phim Quyết tâm chia tay (Decision to Leave). Phim có sự tham gia của Thang Duy, nữ diễn viên Trung Quốc đình đám một thời với thành tích của Sắc Giới, hiện vẫn đang trong cuộc hôn nhân với đạo diễn Hàn Quốc, người cũng đã giúp cô có cú lội ngược dòng sau lệnh hạn chế hình ảnh tại Trung Quốc.
Ra mắt với một đội hình rầm rộ tại sự kiện điện ảnh được gây chú ý nhất thời hậu dịch, ngay tại thời điểm các đại diện châu Á khác hụt hơi, Hàn Quốc tiếp tục khẳng định vị thế đầu tầu của châu lục.
Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương phạt An Phú Land 90 triệu đồng vì tự ý đổi tên dự án khi chưa được phép