Điều kiện để người dân TP.HCM đi chợ, siêu thị trong thời gian tới

Tất cả người bán và người mua hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... trên địa bàn TPHCM đều phải có thẻ xanh COVID.

Ngày 20/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM vừa ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm và chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó tại các kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống này, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng (nhân viên phụ trách quầy kệ, thu ngân...) phải có thẻ xanh COVID (những người tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (đối với vắc xin phải tiêm 2 mũi) và phải ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc COVID-19 và có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly). Nhân sự trở lại làm việc lần đầu phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR) còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.

cho-mo-lai.jpg
Các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 tại các chợ, siêu thị, cửa hàng... tới đây sẽ còn nghiêm ngặt hơn. Ảnh minh họa

Tài xế, nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng hàng hóa phải có thẻ xanh COVID, trong đó có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính (xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR) còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế trước khi vào làm việc.

Đối với các chợ truyền thống, ban quản lý chợ phải có danh sách thương nhân, người làm việc tại chợ. Khách hàng và người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng phải có thẻ xanh COVID. Nhân viên đơn vị quán lý thuộc khối văn phòng không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tối thiểu có thẻ xanh COVID (giới hạn phạm vi hoạt động).

Các đơn vị phải kiểm soát mật độ tối thiểu là 4 mét vuông/người tính theo diện tích kinh doanh và giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận; đảm bảo số lượng khách ra vào không ùn ứ, giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Đối với chợ truyền thống không có nhà lồng không áp dụng mật độ tối thiểu là 4 mét vuông/người nhưng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận.

Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ có nhà lồng phải tổ chức phân luồng đảm bảo lối ra, vào riêng biệt, di chuyển một chiều. Khu vực quầy thu ngân của siêu thị, trung tâm thương mại phải có vách ngăn giữa thu ngân và khách hàng hoặc đảm bảo khoảng cách trên 2m giữa nhân viên và khách hàng. Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt phải có khay giao và nhận tiền riêng; hàng hóa phải được giao qua phương tiện trung gian, tránh tiếp xúc trực tiếp.

Các đơn vị kinh doanh trên phải trang bị các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các khu vực; thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch và có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại đơn vị. Không được bố trí làm việc đối với nhân viên khi có một trong các dấu hiệu/triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở. Khi phát hiện trường hợp nhân viên hoặc khách hàng có các dấu hiệu/triệu chứng nêu trên thì phải tiến hành các biện pháp kiểm tra y tế và xử lý theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế...

Đ.KHẢI