Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 153 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo đánh giá của ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quy định chặt chẽ hơn nhưng vẫn để "cửa" cho doanh nghiệp phát hành.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, nhận định Nghị định mới sẽ giúp những doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường.
Theo đánh giá của Fiingroup, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn xuất phát từ các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến các doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.
Ngoài ra, theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn là khoảng 144.500 tỷ đồng. Năm 2023 và năm 2024 con số này lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Những con số trên dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao.
Lũy kế trong 9 tháng, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Gần đây, các doanh nghiệp cũng ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, có thể kể đến Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Công ty cổ phần An Phát Finance…
Dữ liệu VBMA tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy trong tháng 9, có 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và một đợt phát hành ra công chúng trị giá 235,4 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank phát hành nhiều nhất với 3.090 tỷ đồng, theo sau là VPBank 2.000 tỷ đồng, OCB 1.800 tỷ đồng và SeABank 750 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản đứng thứ 2, dẫn đầu là Công ty cổ phần với NoVa Thảo Điền phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ 3 với Công ty cổ phần Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại hạn chế do việc thực thi chính sách, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao; điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán cần được rà soát, đặc biệt là điều kiện về nhà đầu tư nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng cần cân nhắc sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông và ham lãi suất cao; nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam chưa phát triển; công tác thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp phát hành lớn.
Tổng Hợp