Nhiều thành viên của ngoại giao đoàn ở Hà Nội đã đến dự sự kiện khai mạc. Triển lãm được tổ chức bởi B.Pure Home Việt Nam và B.Pure Light với kỳ vọng giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật thiết kế một dự án về ứng dụng sơn mài vào thiết kế nội thất và thiết kế không gian. Tại đây, mọi người sẽ trải nghiệm một cách nhìn mới về kỹ thuật thể hiện sơn mài qua lăng kính của nghệ thuật thiết kế đương đại.
T.S Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Triển lãm |
Tại sự kiện, các thành viên ngoại giao đoàn được tiếp cận với quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam trước khi diện kiến những tác phẩm độc đáo trưng bày tại triển lãm. Mốc thời gian được nhắc đến là năm 930-935 (thời Đinh) sơn mài được đưa vào sử dụng để trang trí trong cung điện, lăng tẩm của vua chúa với những họa tiết phổ biến nhất thời bấy giờ là sơn son thếp vàng. Đến năm 1927-1937 nghệ thuật sơn mài được chính thức đưa vào giảng dạy một cách chuyên nghiệp và bài bản bởi Joseph Inguimberty - một giảng viên tại trường Cao đăng Mỹ thuật Đông Dương. Ở giai đoạn này, lớp họa sĩ Việt Nam đầu tiên bắt đầu tìm tòi và phát hiện thêm nhiều chất liệu đặc biệt, từ đó tìm cách đưa những chất liệu này vào tác phẩm và tạo nên kỹ nghệ sơn mài độc đáo. Nhờ đó đã dần định hình, mở ra trường phái sơn mài Việt, vực dậy một thời kỳ lộng lẫy của nền nghệ thuật của nước nhà.Từ năm 1938-1944 nghệ thuật tranh sơn mài đạt đến thời kỳ đỉnh cao bởi những tên tuổi họa sĩ theo học bộ môn sơn mài tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Rất nhiều tác phẩm thời kỳ này đã trở thành kiệt tác, bảo vật Quốc gia, góp phần lan tỏa sức ảnh hưởng của nghệ thuật sơn mài ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam vươn ra thế giới. Đến năm 1960 Sơn mài truyền thống được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Nghệ thuật Huế với tư cách là một bộ môn nghệ thuật thực sự. Từ thế kỷ thứ 20 đến nay nghệ thuật sơn mài Việt ngày càng được phát triển và nâng lên một tầm cao mới cùng các nghệ sĩ tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo. Thế hệ nghệ sĩ và nghệ nhân hiện tại, họ không đi theo lối mòn mà vận dụng ngôn ngữ tạo hình cùng quan niệm nghệ thuật mở. Các tác phẩm thể hiện một lăng kính về cuộc sống đương đại, đa dạng và sáng tạo trong tư duy nghệ thuật. Màu sắc và họa tiết từ thiên nhiên được sử dụng nhiều hơn, tạo nên không gian đa dạng trong tác phẩm.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Nhà sáng lập B.Pure Home Interior chia sẻ về dự án |
Sơn mài ngày nay không chỉ được ứng dụng chỉ để sáng tác tranh sơn mài, đồ thủ công mỹ nghệ dùng cho mục đích trang trí, quà lưu niệm... mà có sự phát triển đa dạng hơn trong đề tài, ý tưởng, kỹ nghệ thể hiện và công năng ứng dụng vào cuộc sống. Về cốt lõi, những nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật làm sơn mài truyền thống vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên, thế hệ nghệ nhân ngày nay đã có khuynh hướng sáng tạo hơn bằng những thử nghiệm mới mẻ và độc đáo với những vật liệu mới và công nghệ mới. Nếu trước đây, khi nghĩ về sơn mài hầu hết mọi người sẽ biết đến những tác phẩm với bề mặt tuyệt đối phẳng nhẵn, hiệu lớp màu ẩn hiện tạo chiều sâu không gian trên mặt sơn mài thì đến nay, bằng nhãn quan nghệ thuật tạo hình đa dạng, người nghệ sĩ đã tiếp cận và phát triển lối tạo hình mới trên nền vóc với kỹ nghệ đắp nổi tạo hiệu ứng và sự tương phản đặc biệt trên bề mặt, từ đó cho ra đời những tác phẩm artwork mang phong cách đương đại trên nền chất liệu truyền thống vốn có.
Họa sĩ Đâò Anh Khánh (bên trái) và các đại biểu tham dự Triển lãm |
Nhắc đến câu chuyện về khát vọng kế thừa, nâng tầm di sản Việt trong lộ trình từ quá khứ đến tương lai, đơn vị thực hiện dự án khiến nhiều người thích thú với cách đặt vấn đề trong dòng chảy nhanh và biến hóa khôn lường của thời đại, việc gìn giữ, kế thừa và nâng tầm các di sản văn hóa truyền thống của bậc tiền nhân để lại là không hề đơn giản, nếu thế hệ đương thời không có một tầm nhìn lớn, nhận thức tương xứng và tư duy tự tôn về khái niệm giá trị di sản.
Thành viên ngoại giao đoàn trao đổi với nhà sáng lập dự án về các tác phẩm trong triển lãm |
Văn hóa truyền thống là phạm trù để nhận diện một dân tộc và là một trong những yếu tố quan trọng định hình nên thương hiệu một quốc gia. Vì thế, bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên di sản mà không khai thác, phát huy hay nâng tầm các giá trị tiềm tàng của di sản, việc ấy có thể dẫn đến hệ quả là những thế hệ sống trên di sản nhưng không khai thác được giá trị, mà còn mài mòn di sản. Như vậy, sẽ rất khó phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại, không hấp dẫn được công chúng thời đại mới, dần dần sẽ là thất lạc hoặc lãng quên di sản. Câu hỏi đặt ra là: Thế hệ chúng ta hiện tại đang bảo tồn như thế nào những giá trị tinh hoa của quá khứ? Và thế hệ tương lai sẽ kế thừa những gì từ thời đại hôm nay, hay vẫn chỉ là di sản nhiều ngàn năm cũ? Trách nhiệm, sứ mệnh làm dày tệp tài nguyên di sản, sáng tạo và ghi dấu thời đại, tích lũy và nâng tầm di sản qua từng thế hệ, làm tốt hơn hoặc mới đi, khác đi hoặc phong phú hơn ... là vấn đề của mỗi thế hệ.
Một thành viên ngoại giao đoàn đọc chú dẫn về tác phẩm trưng bày |
Từ xuất phát điểm này, B.Pure Home được thiết kế bởi các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế nội thất dựa trên nghiên cứu nghệ thuật di sản của Việt Nam và Châu Âu, kết hợp những tinh hoa trong nghệ thuật thiết kế châu Âu kinh điển với các chất liệu Việt
Tác phẩm trưng bày tại Triển lãm |
Các tác phẩm trong Bộ sưu tập của B.Pure Home trình diện một xu hướng hoàn toàn khác biệt giữa dòng chảy của nghệ thuật thiết kế đương đại, một bước chuyển mình mạnh mẽ và táo bạo.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Nhà sáng lập B.Pure Home Interior cho biết: “ Trong quá trình tìm kiếm chúng tôi nhận thấy rằng sơn mài là một gợi ý rất thú vị. Sơn mài là một chất liệu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt ở nó có thể truyền tải được mong muốn của các nhà thiết kế. Để đưa chất liệu sơn mài vào đồ nội thất vừa hiện đại, vừa truyền thống là vấn đề mà chúng tôi trăn trở khi thực hiện dự án. Đã có nhiều thế hệ họa sĩ sơn mài Việt Nam thể hiện rất thành công nghệ thuật sơn mài trong ứng dụng. Tuy nhiên chúng tôi muốn thể hiện phong cách thiết kế mới mang tính thời đại và gần gũi với gu thẩm mĩ và mong chờ của người dùng trong cuộc sống ngày hôm nay”.
Lấy cảm hứng sáng tạo từ tuyệt tác mẹ thiên nhiên, vũ trụ kỳ diệu, các tầng di sản nghệ thuật, văn hóa trong quá khứ hội tụ, chắt lọc, tư duy triết lý phương Đông, tinh thần của nghệ thuật phương Tây... các nhà thiết kế, nghệ nhân B.Pure Home đã thổi hồn vào các sản phẩm nội thất, mang phong cách của một trường phái hội họa mới, ứng dụng đa dạng cho nhiều không gian sống và phong cách kiến trúc, từ cổ điển đến hiện đại, phá cách tới đương đại...
Sử dụng những chất liệu thủ công mang hồn Việt được chọn lọc tỉ mỉ theo một quy trình nghiêm ngặt của đội ngũ nghệ nhân Việt Nam dưới sự thẩm định chất lượng và kỹ thuật bởi các chuyên gia châu Âu, những sản phẩm nội thất B.Pure Home ra đời không chỉ chứa đựng câu chuyện về hành trình sáng tạo, bảo tồn và lưu giữ chất Việt mà còn là những tác phẩm trang trí nội thất mang giá trị ứng dụng cao vào đời sống hiện đại.
Ông Phạm Sanh Châu,nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: “ Khi tiếp cận dự án này, tôi đặc biệt ấn tượng và thấy rất thú vị. Vì thế, tôi đã bay từ TP HCM ra Hà Nội để thúc đẩy dự án. Tôi hy vọng, thông qua triển lãm này, các nhà ngoại giao đoàn sẽ có cái nhìn mới về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam và từ đây nghệ thuật sơn mài Việt Nam tiếp tục đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Muốn nghệ thuật sơn mài phát triển thì phải tìm cho nó những cách thể hiện mới và phải làm sao để mọi người sử dụng nó càng nhiều càng tốt”.
Ông Phạm Sanh Châu (giữa) và các đại biểu tham gia dự |
T.S Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, triển lãm là điểm dừng chân thú vị của du khách, giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đến trải nghiệm một không gian sáng tạo mới, độc đáo, hấp dẫn.
Triển lãm mở cửa đến ngày 21.4.2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
Triển lãm sơn mài “ Vân Du” về đạo mẫu của họa sĩ Trần Tuấn Long
Triển lãm sơn mài “Vân Du” sẽ khai mạc vào chiều 8.3 tại Trung tâm Nghệ thuật Thành Đông Babeeni TP Hải Dương.