Dự báo giá cà phê tuần tới (24 - 29/8): Nguồn cung tiếp tục chi phối giá cả

Nguồn cung thấp là hiện trạng chung thúc đẩy giá cà phê tăng vào tuần sau. Tuy nhiên, thời tiết xấu lại ảnh hưởng đến chất lượng hạt và nhu cầu thu hẹp ở các thị trường lớn.

Nhìn lại thị trường cà phê thế giới trong tuần qua, giá Robusta và Arabica dao động khá tương đương nhau: tăng dần về cuối tuần.

Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 11/2020 cao nhất tuần qua đạt 1.406 USD/tấn vào ngày 22/8, thấp nhất xuống mức 1.374 USD/tấn vào ngày 17/8 - mức thấp nhất tuần. Các ngày còn lại giao dịch phổ biến trong khoảng 1.384 - 1.396 USD/tấn. Tính từ thời điểm đầu đến cuối tuần, giá Robusta tăng 32 USD/tấn.

Mức giá Robusta cao nhất tuần trước đạt 1.384 USD/tấn, thấp nhất đạt 1.337 USD/tấn, thấp hơn tuần này từ 22 - 37 USD.

Giá cà phê Arabica  kỳ hạn tháng 12/2020 cao nhất tuần qua đạt 121,05 cent/pound vào ngày 22/8, thấp nhất xuống mức 115,4 cent/pound vào ngày 18/8. Các ngày còn lại giao dịch phổ biến trong khoảng 116,45 - 119,8 cent/pound. Tính từ thời điểm đầu tuần đến cuối tuần, giá Arabica giảm 3,35 cent/pound.

Mức giá Arabica cao nhất tuần trước đạt 118,1 cent/pound, thấp nhất đạt 113,6 cent/pound, cao hơn tuần này từ 1,8 - 2,95 cent/pound.

Giá cà phê thế giới tuần qua bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các tin về nguồn cung hạn chế và tình hình thời tiết tại Brazil. 

Theo báo cáo vào cuối tuần này, lượng cà phê Arabica lưu kho trên sàn New York đạt tổng cộng 1,35 triệu bao, giảm mạnh từ 2,3 triệu bao tại cùng thời điểm năm ngoái. Đây là tin tốt cho giá cà phê Mỹ vào tuần sau.

Tuy nhiên, phần lớn cà phê Arabica của Brazil hiện tại là chưa sạch, chất lượng không được đánh giá cao. Thêm đó, tình hình thời tiết cực đoan khó lường tại châu Mỹ gây nhiều khó khăn cho vụ mùa tiếp theo. Thị trường giao dịch khó khăn càng kích thích hoạt động bán ra của các thương gia nếu giá tăng cao vào tuần sau.

Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của USDA dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 của Việt Nam sẽ giảm 3,5% so với cùng kỳ xuống 30,2 triệu bao. Thông tin này đe dọa nguồn cung khi Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, kích thích giá tăng vào tuần sau.

Một thương nhân ở Việt Nam cho biết tồn kho thấp đã ảnh hưởng tới giao dịch. Gần như không có giao dịch nào được thực hiện trong những tuần qua. Mặt khác, mưa ổn định cung cấp đủ nước cho vụ tới, vụ thu hoạch dự kiến bắt đầu trong cuối tháng 11 hay đầu tháng 12.

Không những bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhu cầu cà phê của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới đang bị tình hình mưa lũ tác động mạnh. Nhiều thành phố đông dân của Đại lục đẫ ban bố tình trạng khẩn cấp trong đợt mưa lũ thứ 5 tại nước này. Tình hình cháy rừng tại Amazon cũng đang được thế giới quan tâm, dù các nhà cầm quyền Brazil cam kết những đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Nhìn lại tuần qua, giá cà phê Tây Nguyên biến động theo giá sàn London. Cuối tuần, giá cà phê toàn vùng giảm quanh mức 32.800 - 33.300 đồng/kg, cao hơn mức giá của tuần trước 600 đồng. Ngày 22/8 là thời điểm giá cà phê trong nước lên cao nhất tuần - 33.300 đồng/kg. Đây cũng là giá thu mua cao nhất cho cà phê Tây Nguyên từ đầu tháng 8 đến nay.

THUẬN TIỆN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương