Du lịch châu Âu đối mặt với khó khăn do thiếu du khách Nga

Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Síp phải đối mặt với một mùa du lịch hè không chắc chắn khi lượng khách du lịch Nga sụt giảm trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều lệnh trừng phạt do cuộc chiến tại Ukraina.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã tìm cách trừng phạt trả đũa các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Vào ngày 4 tháng 4, ông Putin đã đình chỉ các thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thị thực vốn được ký vào năm 2006 giữa Nga và các thành viên "không thân thiện" của Liên minh châu Âu, những nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Ngày hôm sau, TT Putin đã kêu gọi người Nga không nên đến các nước châu Âu "nguy hiểm". Thay vào đó, ông đề nghị họ đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và các quốc gia khác đã từ chối chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraina hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, ở Hy Lạp, nhiều chủ khách sạn và chính phủ vẫn lạc quan về triển vọng của ngành du lịch.

Du lịch châu Âu đối mặt với khó khăn do thiếu du khách Nga - Ảnh 1.

Du lịch châu Âu đối mặt với khó khăn do thiếu du khách Nga.

Ông Manolis Elpidis, Tổng giám đốc Atlantica Caldera Palace, cho biết: "Tại khách sạn của chúng tôi, người Nga đã bị thay thế bởi khách hàng chủ yếu từ thị trường Anh. Mùa du lịch hè đã bắt đầu rất tốt. Nếu nó tiếp tục với tốc độ tương tự và các trở ngại khác không tăng lên, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đạt được 80% mức của năm 2019".

Đó là mục tiêu do chính phủ Hy Lạp đặt ra, dựa trên thực tế là du lịch năm ngoái đã phục hồi tới 60% so với mức trước đại dịch.

Tại Hy Lạp, người Nga chỉ chiếm 0,8% lượng khách đến và 1,1% doanh thu vào năm ngoái, dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cho thấy.

"Hy Lạp là một điểm đến có nhu cầu rất cao. Đối với du khách nhiều nước, đó là điểm đến ưa thích", Thứ trưởng Du lịch Sofia Zaharaki Hy Lạp nói và cho biết ông nhận thấy rằng có sự đa dạng hóa các quốc gia và điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ có nhiều khách hơn từ các quốc gia khác.

Không chỉ thu hút du khách nhiều quốc gia, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này được ghi nhận tăng trong thời gian qua.

"Mức chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi vào năm 2021 đã tăng 27% so với năm 2019. Một số người có thể đã không đi du lịch [vào năm 2020] do đại dịch và có thể đã có nhiều tiền tiết kiệm hơn", ông nói thêm.

Hy Lạp sẽ chi 71 triệu euro (76,2 triệu USD) trợ cấp du lịch trong nước cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn trong năm nay, nhiều hơn 31 triệu USD so với năm ngoái và ông Zaharaki tin rằng, điều này sẽ giúp bù đắp khoản lỗ 115 triệu euro (123,4 triệu USD) mà người Nga đã chi vào năm 2021.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề - bất chấp nỗ lực giữ trung lập trong cuộc chiến và phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ, điểm đến hàng đầu thế giới đối với khách du lịch Nga, đã đón 4 triệu lượt khách Nga vào năm ngoái và hy vọng đạt 6 triệu lượt trong năm nay nhưng hiện dự báo có thể chỉ là 2 triệu lượt và nước này sẽ mất 3-4 tỷ USD doanh thu. Nguyên nhân là do các biện pháp trừng phạt đã làm giảm khả năng chi tiêu của người Nga.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho các doanh nghiệp khách sạn phục vụ người Nga vay 300 triệu USD. Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng các chuyến bay đến Moscow.

Điều này đã gây ra một số bất bình ở Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói Đài truyền hình nhà nước của Hy Lạp, ERT rằng: "Bạn không thể đối phó với Nga theo cách đó, đó là một tiêu chuẩn kép".

Tại đảo Síp, nơi mà lợi nhuận từ du khách Nga đang phát triển trong những năm gần đây, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người Nga chiếm một phần tư trong tổng số 2 triệu du khách đến Síp vào năm ngoái và mang lại ước tính khoảng 290 triệu euro (311,2 triệu USD) - một phần năm doanh thu du lịch của đất nước.

Ông Fiona Mullen, người điều hành Công ty tư vấn Sapienta Economics, đã ước tính ảnh hưởng của việc vắng khách du lịch Nga và giá năng lượng cao sẽ dẫn đến mức lỗ ròng 0,9% trên thị trường du lịch trong năm nay.

Điều đó có thể tương đối không đáng kể nếu không có thực tế là nhiều người Nga kết hợp kỳ nghỉ ở Síp với các hoạt động kinh doanh như đầu tư và ngân hàng.

"Nga và Síp có mối liên hệ lâu dài vì có chung tôn giáo là Chính thống giáo và thực tế Síp là một phần của phong trào không liên kết trong Chiến tranh Lạnh. Síp đã có một hiệp ước không đánh thuế hai lần đối với Liên Xô kéo dài đến năm 1990 và sau khi Liên Xô tan rã, người Síp không có lòng tin vào Nga như các nước NATO", ông Mullen nói.

Dấu chân của người Nga đối với nền kinh tế của Síp đã từng rất lớn. Trước năm 2013, người Nga chiếm 21,5 tỷ euro (23,1 tỷ USD) tiền gửi vào các ngân hàng của Síp. Vào tháng 2, con số đó đã giảm xuống còn 6,3 tỷ euro (6,9 tỷ USD).

Việc người Nga hạn chế gửi tiền vào Síp bắt đầu từ cuộc khủng hoảng ngân hàng tại nước này diễn ra vào năm 2013 khiến EU phải can thiệp để cứu vãn lĩnh vực tài chính.

Kể từ năm 2013, người Nga đã rời khỏi ngân hàng và sau đó dần dần rời khỏi lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, bất động sản, …

Năm 2020, Síp cũng đã chấm dứt cấp thị thực và "hộ chiếu Vàng" cho công dân Nga và Trung Quốc do vấn đề tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Mullen ước tính hoạt động kinh doanh của Nga có giá trị tương đương 4,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Síp.

"Có những công ty cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động kinh doanh của Nga [sẽ bị ảnh hưởng] - một số khách sạn chỉ có dịch vụ du lịch trọn gói và một số công ty tuân thủ pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng Nga", ông nói thêm.

Nhưng có thể đang sự thay đổi. Síp vẫn đang thu hút những người có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ và các doanh nghiệp từ Nga và Ukraina, những doanh nghiệp sẵn sàng đến hòn đảo này do mức thuế thu nhập thấp hơn.

MINH MINH