Nếu bạn vẫn coi thẻ tín dụng như một khoản dự phòng cho những tình huống khẩn cấp như lúc ốm đau phải nhập viện, hoặc khi xe cộ/điện thoại tự nhiên lăn đùng ra hỏng, từ chối hoạt động,... vậy thì bạn nhầm rồi.
Các chuyên gia tài chính cho rằng việc dùng thẻ tín dụng cho những tình huống khẩn cấp, nằm ngoài dự tính có khả năng tạo ra các khoản nợ ngoài khả năng chi trả của chủ thẻ. Đây hoàn toàn không phải một lời khẳng định suông.
Ảnh minh họa |
Kết quả cuộc khảo sát do Bankrate thực hiện và công bố vào tháng 11/2023 cho biết: Ở Mỹ, 43% người sử dụng thẻ tín dụng nói rằng họ đang gặp áp lực trong việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng hàng tháng, sau khi dùng tiền từ thẻ tín dụng để trang trải chi phí sửa nhà, sửa ô tô hoặc thanh toán các hóa đơn y tế.
Vì sao không nên dùng thẻ tín dụng cho các tình huống khẩn cấp?
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, lãi suất tín dụng đã tăng từ 16,45% vào năm 2021 lên 22,77% vào tháng 10 năm 2023. Điều này cho thấy lãi suất thẻ tín dụng có xu hướng tăng cao và tăng nhanh hơn với các khoản vay khác. Bởi lẽ đó, dùng một số tiền lớn từ thẻ tín dụng cho những đầu việc mà bản thân bạn chưa có thời gian để lên kế hoạch trả nợ chi tiết, rõ ràng là lựa chọn có rủi ro cao.
Trong trường hợp bạn dùng một khoản tiền lớn từ thẻ tín dụng, có thể là dùng hết hạn mức thẻ và không có khả năng thanh toán toàn bộ khoản tiền này, mà chỉ thanh toán được số dư tối thiểu, phần tiền lãi mà bạn phải trả là không ít, nếu không muốn nói là nhiều.
Ví dụ thế này: Bạn muốn thanh toán dư nợ tín dụng trị giá 5000 USD trong vòng 12 tháng, với mức lãi suất 22,7% - Mức lãi suất trung bình năm hiện tại. 469 USD là số tiền bạn phải thanh toán hàng tháng và tổng số tiền lãi bạn phải thanh toán trong 12 tháng này là 636 USD.
Nếu bạn cần 24 tháng để thanh toán hết số dư đó, số tiền bạn phải thanh toán hàng tháng là 261 USD và tổng số tiền lãi bạn phải trả trong 12 tháng này là 1267 USD - hơn 1/5 số dư ban đầu.
Ảnh minh họa |
David Haas - Giám đốc hoạch định tài chính của công ty Tài chính Franklin Lakes ở New Jersey (Mỹ) khẳng định: "Tôi luôn nói với tất cả khách hàng của mình rằng thẻ tín dụng không phải là một khoản quỹ khẩn cấp, tuyệt đối không được dùng thẻ tín dụng cho những việc mà bản thân bạn chưa có dự định rõ ràng từ trước".
Vậy phải làm sao để "sống sót" qua những tình huống khẩn cấp mà không cần dùng thẻ tín dụng?
David Haas cho biết, thay vì dựa vào thẻ tín dụng cho những khoản chi mà bạn không thể nhanh chóng thanh toán toàn bộ chi phí, chủ thẻ nên sử dụng quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp là một khoản dự trữ tiền mặt có giá trị tương đương với toàn bộ chi phí sinh hoạt của bạn trong tối thiểu 3-6 tháng.
Vì thế, việc hình thành thói quen xây dựng quỹ khẩn cấp là vô cùng quan trọng. Bạn nên bắt đầu ngay bây giờ, không nên chần trừ thêm nữa
"Dành 10-20% thu nhập hàng tháng cho quỹ khẩn cấp là con số hợp lý" - David Hass đa ra lời khuyên.
Trong trường hợp bạn chưa có quỹ khẩn cấp và đã lỡ nợ thẻ tín dụng do sử dụng trong các hoàn cảnh khẩn cấp, John Cooper - Giám đốc công ty tài chính CFP ở California (Mỹ) khuyên bạn nên làm một khoản vay cá nhân để trả hết dư nợ tín dụng, vì các khoản vay cá nhân thường có lãi suất thấp hơn lãi suất nợ tín dụng.
"Đây là một hình thức chuyển đổi nợ nhằm cắt giảm lãi suất phải trả. Đương nhiên, không phải người nào đang nợ tín dụng cũng có thể áp dụng hình thức này. Điều kiện tiên quyết để có thể chuyển đổi khoản nợ lãi suất cao sang khoản nợ lãi suất thấp hơn chính là bạn chưa từng có nợ xấu" - John Cooper khẳng định.
Theo CNBC
Kẻ gian lừa đảo người dùng thẻ tín dụng rút tiền nhằm mục đích trục lợi tài sản