Với nhiều khách hàng cá nhân, thẻ tín dụng được xem là cứu cánh trong các trường hợp gặp khó khăn về tài chính, cần chi tiêu trước trả tiền sau. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, công việc và nguồn thu nhập chịu ảnh hưởng tiêu cực nên không thể thanh toán đúng hạn, lãi suất lại cao nên nhiều người thấp thỏm lo lắng dư nợ thẻ tín dụng tăng nhanh, có thể bị rơi vào nợ xấu.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của thẻ tín dụng. Tuy nhiên, dư nợ được xem xét cơ cấu theo Thông tư 01, 03 chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính), không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: thẻ tín dụng, bảo lãnh, bao thanh toán…
Nhưng thực tế, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng là cần thiết.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - đại diện cho 16 ngân hàng thành viên chiếm hơn 80% thị phần trong hệ thống - đã có Công văn số 305/HHNH-PLNV về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Thông tư 01). Trong đó, hiệp hội đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết.
Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đã sụt giảm từ 50%-70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch. Trong khi đó, các ngân hàng Việt vẫn phải trả mức phí rất lớn cho tổ chức thẻ quốc tế. Trong giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đối với các Ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.
Một số ngân hàng gần đây cũng đã có những hỗ trợ, ưu đãi cho nhóm khách hàng này. Tại Agribank, ngân hàng cho biết, từ kỳ sao kê tháng 8/2021 đã chủ động giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng xuống còn 11,7%/năm nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhà băng này cho rằng, đây đã là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất trên thị trường.
Nam A Bank cũng cho biết đang triển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí cũng như ưu đãi chi tiêu cho chủ thẻ tín dụng, đặc biệt là hỗ trợ phí chậm thanh toán. Nhà băng này cho hay, trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9/2021, Nam A Bank sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn. Điều này nhằm góp phần chia sẻ, đồng hành của ngân hàng hỗ trợ khách hàng gặp nhiều khó khăn về tài chính và gặp nhiều sự cố bất ngờ không thể thanh toán thẻ đúng thời hạn.
Còn tại VIB, ngân hàng cho phép người sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này rút tiền mặt thông qua máy ATM trong hệ thống VIB để chi tiêu trong kỳ không tính lãi, không tính phí rút tiền đối với những khách hàng có lịch sử nợ tốt. Chủ thẻ tín dụng của những ngân hàng khác cũng đang mong ngóng những chính sách hỗ trợ từ nhà băng như tăng thời gian miễn lãi, giảm lãi suất,...Mặc dù món vay qua thẻ tín dụng thường không lớn nhưng lãi suất và phí phạt trả chậm khá cao, nếu không thể trả được trong thời gian miễn lãi (thường là 45 ngày), dư nợ có thể sẽ tăng lên rất nhanh.
Cương Nguyễn