Elon Musk cần phải chi 2,3 triệu USD mỗi ngày trong suốt 40 năm tới để làm từ thiện

Từng cam kết chi ít nhất 50% tài sản của mình cho từ thiện, nhưng đế nay tỷ phú Elon Musk chỉ mới chi được 1% trong số gần 90 tỷ USD.

Elon Musk là doanh nhân nối tiếp danh sách những tỷ phú ký cam kết Giving Pledge, hứa tặng ít nhất một nửa tài sản của mình cho tổ chức từ thiện, vào năm 2012. Lúc bấy giờ, tài sản của ông chủ hãng xe điện Tesla chỉ trị giá 2 tỷ USD. Tám năm sau, người đàn ông này giàu có hơn đáng kể, theo đó số tiền làm từ thiện cũng tăng lên đồ sộ.

Elon Musk đang đứng thứ 7 trong danh sách 400 người Mỹ giàu nhất nhất năm 2020 của Forbes , với giá trị tài sản ròng 68 tỷ USD, nhờ vốn hóa thị trường khổng lồ của cổ phiếu Tesla. Sau khi danh sách Forbes 400 được hoàn thiện vào ngày 24/7, giá trị tài sản ròng của Musk đã tăng lên trên 100 tỷ USD vào cuối tháng 8 chỉ trong vài ngày. 

Sau đó, khi cổ phiếu Tesla giảm nhẹ, tài sản của ông đã giảm xuống còn 87,9 tỷ USD vào ngày 4/9.

Forbes đánh giá: “Elon Musk là một tỷ phú nghèo tiền mặt”. 

Gần như tất cả tài sản của ông, trừ một vài ngôi nhà, được gắn vào cổ phần tại Tesla và SpaceX. Trước đó, ông cũng đã cam kết khoảng một nửa cổ phiếu Tesla của mình làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Đối với danh sách Forbes 400 năm nay, tạp chí này đã thay đổi phương pháp tính điểm cho tiêu chí từ thiện.

Forbes sẽ xem xét tổng số tiền đích thực đã đến tay các tổ chức từ thiện, thay vì tính số USD được trao cho các tổ chức từ thiện. Forbes ước tính rằng cho đến nay, tỷ phú Elon Musk mới đóng góp khoảng 100 triệu USD cho các hoạt động từ thiện, dưới 1% tổng giá trị tài sản, nên ông chỉ nhận được điểm từ thiện là 1.

Gần đây, tỷ phú này tuyên bố sẽ có kế hoạch tăng cường làm từ thiện. Vào năm 2018, ông hứa sẽ bán khoảng 100 triệu USD cổ phiếu Tesla “vài năm một lần” để làm từ thiện, và sẽ thực hiện “các khoản giải ngân lớn trong khoảng 20 năm khi Tesla ở trạng thái ổn định”. 

Ông chủ Tesla đã quyên góp khoảng 25 triệu USD cho các nhóm phi lợi nhuận thông qua Quỹ Musk, kể từ khi ông thành lập quỹ vào năm 2002. Trong những năm qua, ông đã chuyển hàng chục triệu USD cho hai quỹ do các nhà tài trợ tư vấn. Một phát ngôn viên của Musk xác nhận với Forbes rằng, các quỹ đã tài trợ tổng cộng khoảng 75 triệu USD.

Elon Musk đã cam kết chi ít nhất 50% tài sản cho từ thiện. Ảnh: Getty
Elon Musk đã cam kết chi ít nhất 50% tài sản cho từ thiện. Ảnh: Getty

Quỹ Musk đã thực hiện 350 đợt đóng góp kể từ năm 2002, với khoảng một nửa, tương đương 17 triệu USD, dành cho các tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nghiên cứu khoa học hoặc giáo dục, bao gồm Ad Astra, trường tư thục thử nghiệm trong khuôn viên SpaceX mà Musk đồng sáng lập vào năm 2014, với sự tham gia của các con ông cũng như một số con của nhân viên SpaceX. Theo hồ sơ trên LinkedIn, trường đã ngừng hoạt động trong năm nay, và tách ra thành một trường mới, AstraNova ở Los Angeles.

Khoản đóng góp lớn nhất của quỹ cho đến nay là tài trợ 10 triệu USD cho YC Org, một tổ chức liên kết với người sáng lập Y Combinator Sam Altman, vào năm 2016. Mục tiêu tổng thể của tổ chức là để “nghiên cứu khoa học hơn nữa, các kết quả đó cuối cùng sẽ được cung cấp miễn phí cho công chúng”. 

YC Org là đơn vị tài trợ cho OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận do Elon Musk và Altman đồng sáng lập vào năm 2015, để “nâng cao trí thông minh nhân tạo theo cách có nhiều khả năng mang lại lợi ích cho nhân loại nói chung, không bị hạn chế bởi nhu cầu tạo ra lợi nhuận tài chính”. Nhưng tỷ phú Elon Musk đã từ chức hội đồng quản trị tại đây vào năm 2018, với lý do xung đột lợi ích trong tương lai, khi Tesla tiếp tục tập trung hơn vào trí tuệ nhân tạo.

Năm sau, OpenAI đã tạo ra một chi nhánh vì lợi nhuận và nhận khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Microsoft. Vào tháng 5, Microsoft và OpenAI đã tiết lộ một siêu máy tính mới được chế tạo đặc biệt, để “đào tạo” các mô hình trí tuệ nhân tạo rất lớn của OpenAI. 

Tuy là tỷ phú nhưng Elon Musk có ít tiền mặt, phần nhiều tài sản là cổ phiếu Tesla. Ảnh: AP
Tuy là tỷ phú nhưng Elon Musk có ít tiền mặt, phần nhiều tài sản là cổ phiếu Tesla. Ảnh: AP

Những tổ chức thụ hưởng khác từ quỹ từ thiện của tỷ phú này còn bao gồm Đại học Pennsylvania (trường cũ của Elon Musk), Quỹ Wikimedia và Cộng đồng Nhà bếp, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Colorado, nhằm mở rộng quyền tiếp cận của trẻ em với các thực phẩm bổ dưỡng.

Tổ chức trên đã nhận được 483.000 USD từ quỹ của Musk.

Elon Musk cũng đã công bố những gói tài trợ trị giá 10 triệu USD cho Future of Life Institute, một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp cho trí tuệ nhân tạo “có lợi cho nhân loại”; 10 triệu USD để tài trợ cho Global Learning XPrize và hơn 6 triệu USD cho nhóm vận động môi trường Sierra. 

Bloomberg đưa tin vào năm 2018, rằng Musk đã yêu cầu Câu lạc bộ Sierra công khai các khoản quyên góp sau khi ông bị chỉ trích vì đã tặng cho các chính trị gia Đảng Cộng hòa.

Theo Forbes, nếu Elon Musk thực sự muốn thực hiện lời cam kết Giving Pledge, ông sẽ phải chi tiền nhiều hơn nữa. 

Để cho đi một nửa trong số tài sản 68 tỷ USD mà Forbes tính toán trong danh sách Forbes 400, ông chủ Tesla sẽ phải dành 2,3 triệu USD mỗi ngày trong 40 năm tới, để làm từ thiện.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương