Giá điện tăng 4,5%, người tiêu dùng trả thêm bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo về công tác điều hành đảm bảo điện; theo đó điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tăng thêm 4,5%, có hiệu lực từ 9/11.

Với quyết định này, giá điện bình quân sẽ tăng từ mức hơn 1.920 đồng lên mức hơn 2.006 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng thêm hơn 86,4 đồng/kWh. 

Đây là lần thứ hai trong năm 2023 mà EVN thực hiện điều chỉnh tăng giá điện, sau lần tăng 3% vào tháng 4. Cả hai lần điều chỉnh này đều nằm trong thẩm quyền quyết định của EVN và không vượt quá mức tăng 5%.

Điện tăng 4,5%, người tiêu dùng trả thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng? - Ảnh 1.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng tương ứng 4,5%. Đồ họa EVN.

Như vậy theo thông báo EVN, mức giá bán lẻ điện bình quân là 2.006 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Mức điều chỉnh giá điện bình quân sẽ có ảnh hưởng đối với các nhóm khách hàng như sau:

Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547.000 khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng.

Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1,909 triệu khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng.

Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681.000 khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.

Theo thông tin từ Tập đoàn EVN, điều chỉnh giá điện lần này không đáng kể đối với các hộ nghèo và các gia đình chính sách. Cụ thể, năm 2022, cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo quy định của Chính phủ. Những hộ này tiếp tục nhận được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Hộ nghèo sẽ được hỗ trợ với mức hàng tháng tương đương với 30kWh/hộ/tháng, và hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng sẽ nhận được hỗ trợ với mức tương đương. EVN cam kết rằng tăng giá điện lần này sẽ không tác động đáng kể đến các đối tượng này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đánh giá về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lần này và nhấn mạnh rằng chi phí đầu vào cho sản xuất điện ngày càng tăng. Ông nhận định rằng nếu giá điện không được điều chỉnh kịp thời, sẽ gây khó khăn cho ngành điện.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh giá điện nhằm hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp. Cụ thể, với những hộ tiêu thụ điện ở bậc 1 và bậc 2 (đa số là những người có thu nhập thấp), giá sau điều chỉnh vẫn ở dưới mức giá điện bình quân. Điều này cho thấy nhà nước và ngành điện có chủ trương bảo vệ người tiêu dùng có thu nhập thấp khi thực hiện điều chỉnh giá điện.

Tháng 11/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 763,5 triệu kWh/ngày, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo

VIÊN VIÊN