Giá gas hôm nay 5/7: Phục hồi nhẹ

Giá gas hôm nay 5/7 tăng 1,51% lên mức 2,75 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 8/2023.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tiếp tục gom mạnh khí đốt tự nhiên và sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà nhập khẩu khí đốt ký hợp đồng, cho dù cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dịu bớt... Cùng với đó, là việc đầu tư vào các cơ sở xuất khẩu khí đốt. Đây là một phần trong chiến lược nhằm củng cố an ninh năng lượng đến giữa thế kỷ này.

Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023. Năm nay cũng là năm thứ ba liên tiếp các công ty Trung Quốc ký thoả thuận nhập khẩu LNG dài hạn nhiều hơn hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.

Giá khí đốt tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraina và cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành các lô hàng LNG đã mang lại một bài học tức thì về sự ổn định của nguồn cung. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc tiến hành đa dạng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, như một bước đệm nhằm phòng ngừa sự gián đoạn nguồn cung do biến động địa chính trị.

Điều đó cũng cho thấy, Trung Quốc đang có một tầm nhìn dài hạn để tránh lặp lại tình trạng khan hiếm năng lượng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các hợp đồng LNG dài hạn đang rất hấp dẫn vì các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay - nơi giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra.

Những nỗ lực giành thỏa thuận mua khí đốt của Trung Quốc sẽ hậu thuẫn các dự án xuất khẩu khí đốt trên toàn cầu, tăng cường vai trò của loại nhiên liệu vận chuyển bằng đường biển này trong cơ cấu năng lượng của thế giới.

Một vài quốc gia nhập khẩu khác như Ấn Độ cũng muốn ký thêm hợp đồng dài hạn để tránh thiếu hụt trong tương lai và giảm phụ thuộc vào các hợp đồng giao ngay. Tuy vậy, Trung Quốc chốt hợp đồng nhanh hơn rất nhiều. Trong năm nay, 33% hợp đồng dài hạn LNG đến từ Trung Quốc, theo ước tính của Bloomberg.

Theo công ty tư vấn có trụ sở Na Uy Rystad Energy, Liên minh châu Âu (EU) có thể lấp đầy các cơ sở khí đốt tự nhiên dưới lòng đất trước thời hạn. Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 76% tính đến ngày 25/6.

EU đã đặt mục tiêu lấp đầy dự trữ khí đốt vào năm ngoái sau khi nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga sang khu vực này bị cắt giảm trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina. Nguồn cung cấp tiếp tục giảm sau khi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga bị phá hủy trong một hành động phá hoại mà chưa rõ chủ thể gây ra.

Theo hãng tin Reuters, từ đầu năm nay, EU đã bắt đầu dự trữ khí đốt song dòng khí đốt gần đây đã chậm lại do nhu cầu cao từ người tiêu dùng công nghiệp. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, các địa điểm lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã dự trữ cao hơn 48% so với mức trung bình 10 năm trong cùng kỳ. 

Cũng trong tháng 6/2023, giá khí đốt tự nhiên tăng 38% chủ yếu do lo ngại rằng thời tiết nóng ở Bắc Âu và việc ngừng sản xuất ngoài kế hoạch ở Na Uy vì bảo trì mỏ khí đốt tự nhiên Oseberg.

Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/7, giá gas đồng loạt giảm. Hiện giá gas Saigon Petro là 347.000 đồng/bình 12 kg, gas City Petro có giá 385.000 đồng/bình 12 kg và 1.443.500 đồng/bình 45 kg.

HÀ MY