Giá tiêu hôm nay 21/2: Tăng mạnh 2.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 86.500 - 89.500 đồng/kg tại các địa phương trong khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

Giá tiêu trong khu vực Tây Nguyên ngày hôm nay tiếp tục tăng thêm 1.500 đồng/kg so với ngày hôm qua, nằm trong khoảng 86.500 - 89.000 đồng/kg. Giá tiêu ở Chư Sê (Gia Lai) đạt mức 86.500 đồng/kg. Đồng thời, giá tiêu ở Đắk Lắk và Đắk Nông là 89.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu cũng ghi nhận sự tăng mạnh so với ngày hôm trước, dao động từ 89.000 - 89.500 đồng/kg. Đặc biệt, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng thêm 2.000 đồng/kg, đạt mức 89.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu Bình Phước tiếp tục tăng 1.500 đồng/kg, lên đến mức 89.500 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giao dịch ở mức 3.905 USD/tấn, tiêu trắng (Indonesia) ở mức 6.159 USD/tấn.

Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 tiếp tục giữ nguyên ở mức 3.000 USD/tấn; tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Tại sàn Kochi - Ấn Độ, giá tiêu GARBLED giảm nhẹ còn 61.500 Rupee/100kg, UNGARBLED còn 59.500 Rupee/100kg, tiêu 500 GRAM/LÍT là 58.500 Rupee/100kg.

Giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l xuất khẩu giao dịch ở mức 3.900 USD/tấn, loại 550 g/l ở mức 4.000 USD/tấn, tiêu trắng ASTA ở mức 5.700 USD/tấn.

Giá tiêu hôm nay 21/2: Tăng mạnh 2.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc ước tính đạt khoảng 65.000 - 70.000 tấn mỗi năm. Thông thường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Việt Nam trở thành điểm thu hút sự chú ý của thương nhân Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung.

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, dự kiến nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc sẽ tăng so với năm 2023, mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu hạt tiêu trên khắp thế giới.

Hạt tiêu hiện nay chủ yếu được sử dụng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm, là sản phẩm được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương của Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Đặc biệt, sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch nội địa cũng kèm theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng, đặc biệt là trong dịch vụ ẩm thực. Ngoài ra, mùa Đông năm nay lạnh và kéo dài, khiến nhiều người dân tìm kiếm các món ăn cay, nóng, trong đó hạt tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Indonesia là nguồn cung lớn nhất, chiếm hơn 4.000 tấn, trị giá 17,63 triệu USD. Thị phần của Indonesia giảm từ 52,1% trong năm 2022 xuống còn 44,09% trong năm 2023.

Việt Nam đứng thứ hai về lượng nhập khẩu hạt tiêu vào Trung Quốc trong năm 2023, với khoảng 3.360 tấn, trị giá 13,23 triệu USD, tăng 18% về lượng và 1,0% về trị giá so với năm 2022. Thị phần của Việt Nam tăng từ 32,39% lên 36,57% trong năm 2023.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, ước tính xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 20.000 tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng 1,9% về trị giá so với tháng 12/2023. So với tháng 1/2023, tăng 60,2% về lượng và 83,9% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt khoảng 3.953 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2023 và tăng 14,8% so với tháng 1/2023.

Cơ cấu chủng loại xuất khẩu cho thấy hạt tiêu đen chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 69,51% tổng lượng và 70,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu hạt tiêu đen đã có tác động tích cực lên toàn ngành.

HÀ MY