Giá tiêu lập đỉnh 83.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng 500 đồng/kg tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thị trường tiêu dao động 80.000-83.000 đồng/kg.

Cụ thể giá tiêu hôm nay cao nhất ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu chạm ngưỡng 83.000 đồng/kg, thấp nhất 80.000 đồng/kg tại Đồng Nai và Gia Lai.

Giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo) tăng 500 đồng/kg, dao động trong mức 81.000 đồng/kg.Giá tiêu tại Bình Phước đi ngang, ở mức 82.000 đồng/kg.

Giá tiêu thế giới tại sàn Kochi, Ấn Độ ở mức 41.300 rupee/tạ. 

2109290936-seasoning-and-spices-market.jpg

Đây là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây và gấp đôi so với thời kỳ chạm đáy vào tháng 4/2020.

Theo nhận định của các chuyên gia, cứ 8 - 10 năm, giá tiêu sẽ bắt đầu chu kỳ tăng mới và có thể đạt đỉnh như chu kỳ trước. Hiện tại, giá tiêu đang dần tốt lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 – 100.000 đồng/kg.

Dù giá tiêu tăng mạnh nhưng người hưởng lợi nhiều nhất lại không phải là nông dân, bởi họ bán phần lớn hàng hóa ngay sau vụ thu hoạch, lượng tiêu trong dân còn rất ít.

Theo nhiều ý kiến phân tích, khi giá tiêu gần chạm mức 85.000 đồng/kg, người hưởng lợi nhiều nhất là các thương lái, nhà đầu cơ.

Ở thời điểm này, dù các đại lý đang thu mua tiêu với giá cao, song giao dịch trong dân không nhiều.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2021, dù khối lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm (đạt 213 nghìn tấn, giảm 3,3%) nhưng nhờ giá bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 710 triệu USD, tăng 51,9%).

Trước đó, thống kê Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197 nghìn tấn. Nếu thống kê giữa 2 cơ quan sát nhau, đồng nghĩa với việc xuất khẩu hồ tiêu tháng 9/2021 chỉ đạt khoảng 16 nghìn tấn. Tiếp tục giảm nhẹ so với con số 17 nghìn tấn của tháng 8/2021.

Đáng nói, mức xuất khẩu tháng 8/2021 là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Điều này cho thấy dịch bệnh COVID-19 vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hồ tiêu trong nước. Xuất khẩu các tháng liên tiếp giảm, mục tiêu năm 2021 sẽ rất khó đạt được.

Sản lượng xuất khẩu giảm, nhưng giá lại tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần chi phí tăng để bù đắp cho cước vận tải, chi phí sản xuất phát sinh do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Do vậy, dù tăng 51,9% nhưng các công ty xuất khẩu không mấy "hào hứng", quý III/2021, họ chỉ nhận các hợp đồng cầm chừng. Với việc nới lỏng giãn cách từ sau 1/10, ghi nhận các đơn hàng mới tăng cao trong dịp cuối năm 2021.

Các chuyên gia nhận định, với lộ trình giãn cách phát triển kinh tế như hiện nay, giá tiêu sẽ có xu hướng tăng bền vững. Mỹ, Trung Đông và châu Âu là những thị trường xuất khẩu chính của hạt tiêu Việt Nam.

Các thị trường này đã gia tăng đơn đặt hàng cho nhu cầu dịp cuối năm, khiến thị trường hạt tiêu hứa hẹn có nhiều triển vọng.

HẢI MY