'Giang hồ mạng' Phú Lê sắp hầu tòa bỗng được tự do, luật sư nói gì?

Trước sự việc tòa trả tự do cho Phú Lê và đàn em trước ngày dự kiến xét xử, dư luận băn khoăn có đúng theo các quy định của pháp luật.

Ngày 12/12, lãnh đạo TAND huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, phiên tòa xét xử Lê Văn Phú (tức Phú Lê , 40 tuổi, quê Yên Bái) cùng đàn em Hoàng Văn Thụy (24 tuổi, quê Yên Bái) và Trần Văn Tư (32 tuổi, quê Thái Bình) về tội "Cố ý gây thương tích" sẽ không diễn ra như dự kiến, theo VTC News.

Nguyên nhân do gia đình bị hại Trần Thị Đào (tức Đào Chile, SN 1990, quê xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) rút đơn tố cáo nên vụ án bị đình chỉ. Phú Lê và đàn em được trả tự do.

Lê Văn Phú (hay còn gọi Phú Lê) tại cơ quan điều tra.
Lê Văn Phú (hay còn gọi Phú Lê) tại cơ quan điều tra.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi gia đình bị hại có đơn đề nghị xử lý hình sự nhóm Phú Lê về tội Cố ý gây thương tích thì cơ quan tố tụng sẽ vào cuộc giải quyết.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định tỷ lệ thương tật của các nạn nhân dưới 11% và khởi tố vụ án theo khoản 1 điều 134, Bộ luật Hình sự. 

Khoản 1 điều 134 nằm trong quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại (điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015). Theo đó, khi bị hại có tỷ lệ thương tích dưới 11%, thì có thể rút đơn và vụ án sẽ bị đình chỉ (trừ trường hợp họ bị ép buộc, cưỡng bức phải rút đơn).

"Trong quá trình giải quyết, bị hại rút đơn thì vụ án bị đình chỉ. Đây là quy định thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Quy định này thể hiện tính nhân văn trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tạo cơ hội cho người phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng mà đã được người bị hại tha thứ", luật sư Cường chia sẻ.

Tuy nhiên, luật sư Cường cho biết, dù Phú Lê và đàn em được thả tự do nhưng vẫn phải nộp phạt hành chính theo khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2-3 triệu đồng.

Một trong số những đàn em của Phú Lê.
Một trong số những đàn em của Phú Lê.

"Các đối tượng không bị xử lý hình sự nhưng sẽ bị phạt hành chính và có tiền sự được xác định là nhân thân xấu. Nếu sau vụ việc này còn tiếp tục gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì những người này sẽ bị xử lý nghiêm minh", luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo cáo trạng, Phú Lê chung sống như vợ chồng với Lã Thúy Kiều (35 tuổi). Cuối tháng 7, đầu tháng 8, Kiều và Trần Thị Đào (tức Đào "Chile") phát sinh mâu thuẫn trong việc bán hàng online.

Kiều và Đào "Chile" nhiều lần quay video, chửi bới, thách thức và hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Kiều có lần tìm đến nơi ở của Đào, nhưng không gặp được.

Khoảng 9h ngày 2/8, Phú và Kiều gọi điện cho Đào "Chile" hẹn gặp nhau tại UBND xã Dục Tú (huyện Đông Anh, Hà Nội) để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi tới địa điểm, Đào "Chile" thấy nhiều đàn em của " giang hồ mạng " Phú Lê nên sợ bị đánh, đã bỏ về.

Không gặp được Đào "Chile", nên tất cả về khu vực hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để ăn uống cùng Phú và Kiều.

Trong lúc ngồi ăn, Thụy nói với Phú: "Mai em xuống nhà Đào ở Đan Phượng để tìm đánh nó, nếu không gặp được Đào thì em sẽ đánh mẹ và dì nó".

Nghe xong, Phú đồng ý và bảo nếu đánh thì tránh phần đầu ra, chỉ đánh vào tay chân thôi, rồi bảo Thụy gọi điện rủ Tư đi cùng. Khoảng 11h30 ngày 3/8, Tư điều khiển xe máy chở Thụy đến nhà Đào "Chile" ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng).

Tại đây, Thụy đã dùng tuýp sắt đánh vào chân bà Nguyễn Thị Bé (dì ruột của Đào) và Nguyễn Thị Nga (mẹ của Đào). Hậu quả làm bà Nga bị thương tích, tổn hại 1% sức khỏe.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương