Ở cái tuổi xưa nay hiếm, GS. TS TTND Huỳnh Phương Liên vẫn đều đặn đến phòng làm việc trên gác 2 khu nghiên cứu vắc xin của Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), miệt mài nghiên cứu để hoàn tất những bước cuối cùng trong đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero.
Trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh gian khó
Năm 1963, lúc đất nước cần những nhà khoa học tham gia chống “chiến tranh vi trùng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, GS.TS Huỳnh Phương Liên khi ấy vừa học hết năm thứ 3 trường Đại học Y Hà Nội đã xung phong đi vào chiến trường B khốc liệt. Bà được nhận công tác tại K15 (thuộc Ban Dân y Khu V tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Hồi ấy dù các trang thiết bị như tủ cấy vi khuẩn vô trùng, lò sấy ướt, cân hóa chất, kính hiển vi... được vận chuyển từ miền Bắc vào nhưng vẫn không thấm vào đâu so với khối lượng công việc các cán bộ y tế làm. Không đủ thiết bị, họ phải dùng đèn dầu hỏa để chạy tủ ấm nuôi cấy vi sinh. Cái khó là làm sao điều chỉnh đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển... Được phân công phụ trách chuyên môn của cơ quan, cùng với sự nỗ lực ngày đêm, bác sĩ trẻ Huỳnh Phương Liên đã thành công trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin tả, thương hàn, đậu mùa. Những vắc-xin này được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng chuyển ra chiến trường giúp các chiến sĩ có thêm sức khỏe để đánh giặc, giúp những người dân chống lại dịch bệnh để làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
GS.TS Huỳnh Phương Liên (khi còn trẻ) đang thực hiện các quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin. |
Sau một trận bạo bệnh, sức khỏe sa sút, bà phải trở ra Bắc để điều trị. Sức khỏe hồi phục, Huỳnh Phương Liên được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (TW) cử đi học nâng cao kiến thức ở Cộng hòa Dân chủ Đức để tiếp cận công nghệ mới sản xuất vắc xin. Ngày về Việt Nam, chứng kiến những đứa trẻ ốm yếu, thậm chí mất mạng vì dịch bệnh, bà không khỏi xót xa. Suốt gần 20 mươi năm sau đó, công việc của bà gắn với phòng thì nghiệm để nghiên cứu về virus viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm...
Người sản xuất ra vắc xin “Made in Việt Nam”
Cả cuộc đời gắn bó với phòng thí nghiệm, nghiên cứu phát triển các vắc xin nhưng công trình để đời của GS.TS Huỳnh Phương Liên là ứng dụng thành công công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản vào năm 1992. Nhờ đó, Việt Nam đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản, tỷ lệ mắc bệnh hiện chỉ còn 5 - 10%.
“Khoảng những năm 80 dịch viêm não Nhật Bản rất trầm trọng ở Việt Nam, nhiều vùng chúng tôi đến và thấy đau xót khi nhiều cha mẹ già phải vất vả chăm sóc con bị liệt cứng sau tai biến bởi viêm não Nhật Bản. Khi ấy có một GS người Nhật hay đi cùng chúng tôi và ông ấy đã thúc đẩy việc hỗ trợ Việt Nam được cấp học bổng sang Nhật nhận chuyển giao quy trình nghiên cứ sản xuất vắc xin”- GS Liên thuật lại. Không may, hai nghiên cứu viên đầu tiên được cử đi nhận chuyển giao bị tai nạn máy bay và tử vong năm 1988. Năm 1989, Viện Vệ sinh dịch tễ TW quyết định cử GS Liên và một nữ đồng nghiệp sang Nhật nhận chuyển giao.
“Hai chị em chỉ có 1 tháng ở Nhật vì WHO muốn mình thâm nhập nắm sơ qua tình hình. Nhưng lúc bấy giờ cấp bách quá phải làm ngay. Họ nghĩ chúng tôi đi cưỡi ngựa xem hoa, nhưng tôi nghĩ khác và làm khác. Những cuốn tài liệu chuyển giao công nghệ họ cho mình, trong đó là quy trình từ đầu đến cuối nhưng nếu chỉ nhìn vào đó thì không thể làm được. Vì thế khi họ đưa mình đi tôi ghi chép rất tỉ mỉ những lời chuyên gia Nhật nói vào bên cạnh những minh họa của cuốn tài liệu. Chỉ nhìn vào tư liệu thì không có những thông tin đó.” – Bà hồi tưởng lại quãng thời gian khó khăn bên nước bạn.
“Trong 1 tháng tôi nghiên cứu xong. Bốn loạt đầu là thử nghiệm đến loạt 5 thì có GS Suzuki người Nhật Bản là trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Á Thái Bình Dương sang làm việc. Một giáo sư ngỏ ý được gửi loạt vắc xin thứ 4 và 5 sang Nhật kiểm nghiệm. Sau 3 tháng GS.TS Hoàng Thủy Nguyên (nguyên Viện trưởng Viện Dịch tễ TW) nhận được thư chúc mừng vì vắc xin của Việt Nam sản xuất đã đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản. Làm xong đáp ứng kháng thể 100%, an toàn rất tốt so với vắc-xin Nhật khiến người Nhật cũng bất ngờ và chúc mừng vì không ngờ Việt Nam làm được như thế. Tôi sung sướng lắm”. Bà nở nụ cười phúc hậu khi nhớ về thành tựu to lớn, làm thay đổi số phận của hàng chục triệu trẻ em Việt Nam và các nước khác thoát khỏi căn bệnh Viêm não Nhật Bản và những biến chứng nặng nề.
Vắc xin Viêm não Nhật Bản dùng để dự phòng đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản |
Với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá thành chỉ bằng 20% giá vaccine nhập khẩu (chỉ trên 7.000 đồng/2 liều cho trẻ em, hiện nay là 10.500 đồng/2 liều trẻ em), GS Huỳnh Phương Liên đã được xét tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005.
Ngoài ra, GS Huỳnh Phương Liên còn vinh dự nhận các giải thưởng khoa học như giải Nhất Vifotech về công nghệ sinh học năm 1995, đứng đầu tập thể nữ nghiên cứu phát triển các vắc xin của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đoạt Kovalevskaia năm 1999.
Tính đến năm 2018 đã có trên 70 triệu liều vắc xin này được xuất xưởng và Việt Nam cũng đã xuất khẩu trên 5,3 triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản đi Ấn Độ.
Trước khuyến cáo của WHO về việc các nước cần chuyển sản xuất vắc-xin Viêm não Nhật Bản từ não chuột sang vắc xin Viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero, bà đã đi tắt đón đầu, bắt tay vào nghiên cứu ngay từ năm 2006. Sau 5 năm đã nghiên cứu thành công. “Đến nay qua thử nghiệm, hiệu giá kháng thể đạt 100% ở liều nhỏ nhất”- GS Liên vui mừng chia sẻ.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, GS. TS TTND Huỳnh Phương Liên vẫn đều đặn đến phòng làm việc trên gác 2 khu nghiên cứu vắc-xin của Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), miệt mài nghiên cứuphát triển vắc xin. |
Những thành tựu trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của GS.TS TTND Huỳnh Phương Liên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vắc xin của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành thế mạnh và điểm sáng thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam. Những vắc xin thế mạnh của Việt Nam hiện nay như sởi, vắcxin phối hợp sởi - rubella, rota, cúm mùa, viêm não Nhật Bản... là những văc xin không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Hai nhà khoa học nữ và hành trình chế tạo vắc xin ho gà trong bối cảnh thiếu thốn, chuột thí nghiệm cũng là một thứ xa xỉ
Vaccine ho gà được phát triển bởi hai nhà khoa học nữ: Pearl Kendrick và Grace Eldering.