5 phương án thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn
Đại diện du lịch Hà Giang cho biết thu phí tham quan Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (CVDV) là "điều cần làm" để đáp ứng tiêu chí của một địa danh được UNESCO công nhận.
CVĐC được thành lập vào tháng 9/2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356 km2. Tới năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết tỉnh Hà Giang đang hoàn thiện đề án thu phí tham quan CVĐC. Tỉnh đã chuẩn bị cho việc này 4 năm nay nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa triển khai được.
Nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển CVĐC được sử dụng từ ngân sách địa phương như hệ thống giao thông, nước sạch, điện, chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình kinh tế, an ninh chính trị và quốc phòng. Tuy nhiên, theo ông Đôn với xu thế phát triển của CVĐC trong giai đoạn tới, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước sẽ "thiếu hụt trầm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển".
Trong vùng CVĐC có 59 điểm di sản đang khai thác, nhưng chỉ có khoảng 40 điểm đủ tiêu chuẩn thu phí, tuy nhiên hiện tỉnh mới thu phí ở ba điểm gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn).
Năm tới (2024), tỉnh đang nghiên cứu phối hợp với tỉnh Cao Bằng để kết nối 2 CVĐC và sẽ có thêm khoảng 20 điểm di sản được đưa vào khai thác.
Theo ông Đôn, hiện tỉnh đang đề xuất 5 phương án thu phí tham quan bao gồm: Thu phí tại cổng (khoảng 80.000 đồng/người); thu phí tại điểm du lịch (30-40.000 đồng/điểm); thu phí qua đêm tại các khách sạn, nhà nghỉ (30.000 đồng với người lớn/ đêm và 15.000 đồng với trẻ nhỏ/đêm).
Ngoài ra còn có thu phí bằng cách áp thuế với các khách sạn, nhà nghỉ và áp thuế giá trị gia tăng vào các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên 2 phương án này được đánh giá là không khả thi.
Dự kiến, vào năm 2024, lượng khách tham quan CVĐC có thể thu vé vào khoảng 1,78 triệu lượt, doanh thu hơn 70 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thu được sẽ được chi cho đơn vị tổ chức quản lý thu phí, cơ sở lưu trú trực tiếp thu phí, bảo tồn, bảo vệ, xây dựng sản phẩm mới ở CVĐC.
Khó khăn khi triển khai
Thông thường, UNESCO khuyến nghị nhiều hoạt động từ bảo tồn, quy hoạch, giáo dục cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ văn hóa thiểu số, đa dạng sinh học đến đầu tư và làm du lịch bền vững.
Mỗi kế hoạch như vậy tiêu tốn trực tiếp của tỉnh tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí gián tiếp như các dự án giao thông, điện, nước, viễn thông. Theo ông Đôn, các kế hoạch này dù tiêu tốn số tiền khổng lồ nhưng đều đem lại lợi ích cho người dân.
Cách triển khai thu phí "vẫn là điều cần tính toán". Nếu thu phí tại từng điểm, ban quản lý CVĐC lo ngại sẽ gây khó chịu cho du khách khi phải thanh toán lẻ tẻ. Việc lập các chốt thu phí cũng không dễ dàng khi còn liên quan đến luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc lập thêm các chốt thu phí cũng gây tốn kém nguồn nhân lực, "làm phình" bộ máy quản lý.
Việc lập các chốt thu phí cũng không dễ dàng khi còn liên quan đến luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc lập thêm các chốt thu phí cũng gây tốn kém nguồn nhân lực, làm phình bộ máy quản lý và việc kiểm tra, kiểm soát xem ai là du khách ai là người dân cũng mất nhiều thời gian.
Ông Đôn nói đã học hỏi cách làm của ban quản lý vịnh Hạ Long khi xây dựng đề án cho CVĐC. Trong thời gian đầu, mức phí có thể không cao và có thất thoát. Tuy nhiên, đây là giai đoạn để nâng cao nhận thức của du khách về điểm đến: CVĐC là di sản được UNESCO công nhận và du khách cần phải trả phí để bảo tồn, phát triển du lịch.
"Nếu thu phí, mọi thứ sẽ được đầu tư bài bản, chỉn chu hơn. Không thu phí, chất lượng du lịch khó lòng cải thiện", ông Đôn nhắc lại.
(Nguồn: Tổng hợp)