Hạ tầng giao thông ở TP.HCM: Dự án nào hoàn thành trong năm 2021?

Nhờ việc thi công xuyên Tết, nhiều dự án giao thông trọng điểm, cùng nhiều công trình đang khẩn trương về đích, hứa hẹn tạo bước chuyển lớn cho hạ tầng TP.HCM.

Đầu xuân năm mới là lúc TP.HCM ra quân tái khởi động các công trình giao thông trọng điểm. Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) TP.HCM, cho biết các dự án tạm ngưng phục vụ người dân thành phố ăn Tết sẽ tái khởi động lần lượt từ nay đến đầu tuần tới, khi lực lượng công nhân từ quê trở lại TP.HCM làm việc đầy đủ.

Thành phố có 3 công trình giao thông phải thi công xuyên Tết do tính cấp bách, gồm: Dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và một số vị trí thuộc gói thầu G và Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2.

Trong đó, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đang được đơn vị thi công gấp rút đẩy tiến độ để kịp hoàn thành trước dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

media-cungcau-vn_nguyen-huu-canh-1-2258.jpg
Lô cốt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Suốt nhiều năm qua, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM, đặc biệt vào mùa mưa, hễ mưa là ngập. Vì thế, đây được xem là một dự án cấp bách của thành phố.

Hơn thế, dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 mà Văn phòng Chính phủ đã có công văn thúc giục TP.HCM nhanh chóng triển khai từ năm 2017.

Do nhiều vướng mắc về phương án đầu tư, đến 5/10/2019, dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng từ vốn ngân sách thành phố mới chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành sau 14 tháng.

Tuy nhiên, do vướng công tác giải phóng mặt bằng, việc thi công tiếp tục phải kéo dài đến 30/4 mới có thể hoàn thành.

Ông Lương Minh Phúc thông tin thêm: Trong năm 2021, TCIP đặt mục tiêu thi công hoàn thành 45 dự án, gói thầu, bao gồm nhiều công trình trọng điểm như cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám; mở rộng đường Đồng Văn Cống,...

Cụm 10 dự án thành phần giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chùm dự án giảm tải khu vực Cát Lái và các dự án mở rộng cửa ngõ như QL50, QL22 cũng sẽ bắt đầu khởi công từ khoảng quý 2 - 3/2021.

Song song đó là các dự án cấp bách như khép kín đường vành đai 2, vành đai 3, xây dựng nút giao An Phú (giải tỏa ùn tắc đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) hay dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài,... cũng sẽ được đẩy nhanh hoàn tất thủ tục, thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021.

Theo một tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD do ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định thiệt hại do chậm trễ hoàn thiện mạng lưới giao thông của TP.HCM thực tế còn lớn hơn.

Các dự án triển khai chậm so với quy hoạch, thiệt hại không chỉ tính bằng số tiền đội lên để giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân mà đang kéo giảm sự phát triển của thành phố. Thực tế, TP.HCM thời gian qua đang vận động rất chậm so với nhiều thành phố của các nước khác trong khu vực, thậm chí còn chậm hơn các thành phố vệ tinh như Bình Dương, Long An, Vũng Tàu.

img_0760.jpg
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được khai thác thương mại vào năm 2022.

Theo Thanh Niên, Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận mở đường, làm cầu, tăng diện tích đất dành cho giao thông là giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc. Song, hạ tầng dù có được ưu tiên đầu tư đến đâu thì cũng không thể chạy theo kịp để đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, thành phố xác định chìa khóa cho bài toán giao thông thành phố hiện nay chính là thúc đẩy giao thông công cộng (GTCC) phát triển.

Cuối năm 2021, tuyến metro số 1 sẽ đưa vào vận hành thương mại và tuyến metro số 2 được khởi công theo đúng kế hoạch. Cả hai tuyến này sau khi hình thành sẽ góp phần giảm mạnh ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, kích thích phát triển đô thị dọc tuyến và làm cơ sở phát triển cho các tuyến đường sắt đô thị khác.

Bên cạnh đó, đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” bao gồm 27 giải pháp thực hiện theo nguyên tắc “Kéo - Đẩy” sẽ bắt đầu triển khai từ năm nay, tuyến buýt nhanh đầu tiên của thành phố dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ vừa được phê duyệt cũng đang được triển khai chuẩn bị để hoàn thành và đưa vào vận hành trong đầu năm 2023.

GTCC thành phố hứa hẹn sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nay đến 2025, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, ông Lâm nhấn mạnh.

(Tổng hợp)

THUẬN TIỆN