Hải Phòng gắn biển tên đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Sáng 13/5, thành phố Hải Phòng long trọng tổ chức lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Việc gắn biển đặt tên đường Đỗ Mười thể hiện sự tri ân công lao của cố Tổng Bí thư trong quá trình phát triển thành phố Cảng Hải Phòng. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025 và đón nhận Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Thành phố Anh hùng".

Hải Phòng gắn biển tên đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Hải Phòng gắn biển tên đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tham dự buổi lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười có đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, các đồng chí lãnh đạo thành phố, cùng gia đình cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và đông đảo người dân thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã ôn lại và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã ôn lại và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã ôn lại và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đỗ Mười được biết đến là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc và là tấm gương lớn về nhân cách người cộng sản mẫu mực.

Đặc biệt, đồng chí Đỗ Mười đóng một vai trò to lớn đối với thành phố Hải Phòng trong giai đoạn lịch sử quan trọng.

Từ tháng 3 năm 1955, đồng chí Đỗ Mười đã được Trung ương Đảng chỉ định trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng thời chỉ đạo trực tiếp việc tiếp quản vùng tập kết chuyển quân 300 ngày. Chính đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo việc tiếp quản thành phố vào đúng ngày 13/5/1955, cách đây tròn 70 năm.

  Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, con gái của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu tại buổi Lễ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, con gái của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu tại buổi Lễ.

Ngay sau khi tiếp quản, vào ngày 15/5/1955, dưới sự chủ trì của đồng chí, Thành ủy Hải Phòng đã họp để phân tích ý kiến và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó đề ra những biện pháp cấp bách như vận động quần chúng, đảm bảo trật tự trị an, làm vệ sinh và đón tiếp cán bộ, học sinh miền Nam ra tập kết. Ủy ban hành chính thành phố được thành lập và các ngành chuyên môn được chấn chỉnh, kiện toàn.

Với vai trò lãnh đạo quyết định, đồng chí cùng tập thể đã bổ sung cán bộ lãnh đạo cho các cơ sở trọng yếu như nhà máy điện, nước, xi măng, cảng, Sở dầu và các xí nghiệp quan trọng khác. Đồng thời quan tâm bố trí công tác cho cán bộ miền Nam tập kết.

Dưới sự chỉ đạo linh hoạt của đồng chí, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và hải cảng nhanh chóng được phục hồi, đặc biệt là việc đảm bảo hoạt động bình thường của các xí nghiệp lợi ích công cộng như điện, nước, xe lửa, bưu điện, vệ sinh.

Sau hơn 6 tháng giải phóng, Hải Phòng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười và nỗ lực của quân dân đã dần ổn định mọi mặt. Kinh tế quốc doanh phát triển, kinh tế tư nhân được điều chỉnh, văn hóa - xã hội ổn định, ngành giáo dục được phục hồi, chuẩn bị cho năm học hòa bình đầu tiên. Đồng chí cũng quan tâm chỉ đạo đầu tư xây dựng và nạo vét Cảng Hải Phòng, đảm bảo tàu 8.000 tấn ra vào dễ dàng.

Tuyến đường Đỗ Mười.
Tuyến đường Đỗ Mười.

Tháng 10 năm 1956, đồng chí Đỗ Mười được Trung ương điều động về công tác tại Hà Nội. Tuy thời gian công tác tại Hải Phòng không dài, nhưng có thể khẳng định, trên cương vị Bí thư Thành ủy, đặc biệt là trong thời gian đầu tiếp quản đầy khó khăn, đồng chí đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề ra sách lược khôn khéo, nhờ đó, Hải Phòng đã giữ vững được chính quyền nhân dân, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Dù sau này giữ nhiều trọng trách cao hơn, đồng chí vẫn dành cho Hải Phòng một tình cảm đặc biệt và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.

Để tri ân công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, thành phố Hải Phòng đã quyết định đặt tên đồng chí cho con đường lớn tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, thành phố Thủy Nguyên, nơi sẽ là Trung tâm Chính trị Hành chính mới của thành phố.

Tuyến đường được đầu tư từ năm 2019, có chiều dài khoảng 1,6km, chiều rộng mặt cắt 66m với 10 làn xe, cùng vỉa hè, cây xanh và hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đây là tuyến trục chính quan trọng, kết nối vùng lõi đô thị cũ với Trung tâm mới.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống) sinh ngày 2-2-1917, mất ngày 1-10-2018. Quê quán xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, vào Đảng tháng 6-1939 và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997) và là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến năm 2000).

Hà Linh Quân

Hải Phòng triển khai 33 công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng

Hải Phòng triển khai 33 công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng

Hàng chục công trình, dự án trên toàn thành phố đã được các đơn vị đăng ký khởi công, khánh thành, thông xe kỹ thuật, khai trương, gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.