Hàng triệu tấn nông sản đang tồn đọng tại các tỉnh phía Nam

Khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ quả, 4 triệu tấn trái cây các loại, 120.000 tấn hải sản… tồn đọng tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên.

Số liệu được ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương thông tin tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (Bộ NNPT-NT) với một số tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên chiều ngày 6/8. Hầu hết bị ảnh hưởng khi các tỉnh, thành phố thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nguyên nhân chính do một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động từ khâu thu hoạch, sản xuất, bảo quản, vận chuyển… Nhiều nhà máy chế biến đóng cửa, khiến việc tiêu thụ sản phẩm tươi lẫn chế biến đều gặp khó.

2350_thanh_long.jpg
Rất nhiều loại nông sản tại các tỉnh/thành phía Nam không có đầu ra do ảnh hưởng bởi đợt giãn cách xã hội

Mặc dù Chính phủ, các Bộ ngành chỉ đạo rất cụ thể nhưng các địa phương áp dụng mỗi nơi một kiểu, thậm chí có những quy định riêng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển hàng hoá. Nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ sản, đồ tươi sống, khi chậm 1 tiếng, 2 tiếng đã bị biến đổi chất lượng rất nhiều.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho hay thị trường Mỹ cũng đang có thông tin hàng hoá, trong đó có trái cây Việt Nam có virus SARS-CoV-2 trên sản phẩm, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng tại nước này. Thêm vào đó, các hãng tàu có thể không nhận hoặc hạn chế nhận vận chuyển trái cây, rau củ tươi sống, vì lo ngại rủi ro hơn các loại hàng khô, chế biến sẵn, dù giá cước vận chuyển các nhóm hàng này tương đương và hiện đã tăng rất cao.

Ông Tùng kiến nghị Bộ Công thương sớm Chỉ đạo các Vụ thị trường, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, rà soát, kiểm soát chặt thông tin tránh làm ảnh hưởng đến hình ảnh nông sản, trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cơ quan chức năng làm việc với các hãng tàu để được đưa thêm container lạnh vào để nhận hàng.

Đồng thời, các Bộ ngành xem xét kéo dài khung giờ cho phép các cơ sở, doanh nghiệp thu hoạch, sản xuất... hoạt động theo khung giờ từ 3g sáng đến 22g, bởi quy định 6g sáng đến 18g hàng ngày hiện rất khó khăn cho ngành hàng này.

Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ GTVT làm việc với các hãng tàu, để được đưa thêm continer lạnh vào để nhận hàng. Đồng thời, làm việc với các địa phương để thông tin kịp thời đến nông dân về tình hình sản xuất phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT tập trung vào nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng hoá nông sản tại các tỉnh, thành. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, xác định tiêu thụ nội địa là quan trọng nhất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm định hướng cho địa phương. Tiếp tục xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam nói chung, các sản phẩm nông sản, thuỷ sản trong nước, giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước có thể sản xuất, chế biến được.

Khuyến khích, hỗ trợ các ngành chế biến mặc hàng nông sản có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Tạo những thương hiệu mạnh, với nguyên liệu đầu vào trong nước để giảm tải tiêu thụ các mặc hàng tưoi sống phục vụ trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh các kênh phân phối truyền thống chợ đầu mối, truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm trong lúc giãn cách, các siêu thị, cửa hàng và chú trọng các kênh hiện đại như các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bằng chiến lược đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xúc tiến xuất khẩu đến nhiều quốc gia hơn bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đ.KHẢI