Bữa trước cà phê, cô bạn của tôi đã bâng quơ thốt lên một lời than vãn: "Dạo này chẳng dám lướt Facebook hay Instagram chúng mày ạ. Thấy đứa này đăng ảnh mua ghế massage hơn 40 triệu tặng bố mẹ, đứa kia biếu hai cụ thân sinh cả xấp tiền mặt, đứa khác nữa thì tặng 5 chỉ vàng cho mẹ để mẹ vui. Tự nhiên áp lực ngang".
Lúc đó nghe bạn nói vậy, tôi thậm chí còn buông lời giễu cợt tâm hồn mong manh, yếu đuối của nó. Cho đến khi bản thân rơi vào tình cảnh tương tự, thấy cô bạn cùng lớp đại học ngày xưa đăng ảnh chuyển khoản 20 triệu cho mẹ sắm Tết lên story, tôi mới phần nào hiểu được cảm giác "áp lực ngang" của bạn mình.
Ảnh minh họa |
Chúng ta có thể không cảm thấy hề hấn gì khi nghe chuyện một người xa lạ nào đó biếu Tết phụ huynh mấy chục triệu, không bằng tiền mặt thì cũng bằng hiện vật, bởi suy cho cùng, người ta là người lạ thôi mà.
Nhưng nếu đó là một người bạn, một đứa em kém tuổi hay ông anh bà chị chỉ hơn mình 1-2 năm "tuổi thọ đi làm", câu chuyện sẽ không còn dễ bỏ qua như vậy được nữa.
Cảm giác mình là "một đứa con ăn hại" vì cả năm đi làm, chẳng có nổi chục triệu biếu bố mẹ tiêu Tết
Năm nay, có lẽ tôi chỉ có thể biếu bố mẹ mỗi người 5 triệu. Cô bạn tôi thì có phần bi đát hơn. Một năm 12 tháng thì có tới 8 tháng, nó phải làm việc 100% công suất mà chỉ nhận được 70% lương so với bình thường, vì công ty khó khăn, "phải cắt" đủ thứ trên đời.
"Nếu mà năm nay không có thưởng Tết, chắc tao chỉ biếu bố mẹ được 3 triệu một người là căng" - Bạn tôi vẫn đặt ngôi sao hy vọng cho người tình phương xa mang tên "thưởng Tết", dù có lẽ bản thân nó cũng biết, năm nay, cuộc tình này khó lòng viên mãn.
Chơi với bạn hơn chục năm có lẻ, tôi biết gia đình nó cũng chẳng khó khăn gì. Không đến mức giàu có hay quá dư dả, nhưng cũng không đến nỗi cả nhà mất Tết nếu không có tiền con gái biếu. Ấy vậy mà từ messenger cho tới bàn cà phê, hễ cứ có cơ hội nói chuyện, là mặt bạn tôi lại như cái bánh đa ngâm nước, còn cái giọng văn thì cứ như thể mai là ngày tận thế đến nơi rồi.
Ảnh minh họa |
"Cả năm đi làm mà Tết không có nổi 10 triệu biếu bố mẹ, tao tự thấy xấu hổ, thấy thất bại ấy" - Lời giải thích của bạn như một gáo nước lạnh tạt vào nỗ lực khích lệ, động viên tinh thần nó của tôi.
Hóa ra, cái áp lực đồng trang lứa mà bạn tôi đang gặp phải không đến từ gia đình, mà do chính bản thân nó tạo ra.
Cũng dễ hiểu thôi, những người còn độc thân như tôi và nó, đi làm cả một năm, chỉ phải nuôi mỗi cái thân mình, mà đến cuối năm, không có nổi chục triệu biếu bố mẹ, nghe cũng… "đắng lòng" thật.
"Nghĩ rồi, nếu mà không có tiền thưởng Tết, chắc tao rút thêm 10 triệu từ thẻ tín dụng để biếu bố mẹ. Chứ năm ngoái còn biếu bố mẹ mỗi người 7 triệu, mà năm nay chỉ còn có 3, tao sợ bố mẹ lo tao không ổn".
Cuối cùng, đó là giải pháp mà bạn tôi chọn để không khiến bố mẹ lo lắng cho tình hình công việc, kiếm tiền của nó.
Mong bạn hiểu rằng bố mẹ cần chúng ta sống vui và sống có ích hơn bất cứ số tiền nào
Hai đứa chúng tôi học chung từ cấp 1 lên đến tận Đại học, bố mẹ 2 bên coi chúng tôi như con cái trong nhà. Tôi vẫn còn nhớ Tết năm ngoái, lúc tôi sang chơi, mẹ nó hồ hởi kéo tôi ra một góc tâm sự.
Bác kể: "Có vẻ năm nay công việc của Trang - tên bạn tôi, ổn con ạ. Nó biếu hai bác 14 triệu đấy, hơn năm ngoái. Nhưng mà tiền nó biếu hai bác bao nhiêu cái Tết từ lúc nó đi làm, bác không có tiêu, để đấy sau này nó lấy chồng thì còn có của hồi môn.
Hai đứa chơi thân với nhau, cứ động viên nhau làm việc, sống tốt là các bác ở nhà yên tâm lắm".
Vì hiểu bạn và cả bố mẹ của bạn, nên tôi đã không khuyên Trang nên suy nghĩ lại về việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để có tiền biếu Tết bố mẹ. Tôi biết và có lẽ nó cũng biết, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, lãi suất "cắt cổ" đến mức nào. Nhưng tôi cũng biết với bố mẹ nó, nhìn vào khoản tiền con mình biếu Tết là cách duy nhất để hai bác cảm thấy yên tâm rằng con mình vẫn đang có công việc ổn định.
Là con gái, muốn làm bố mẹ yên tâm cũng là mong muốn chính đáng thôi, dù rằng cách của bạn tôi có phần hơi tiêu cực. Nhưng thôi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chưa kể, bạn tôi còn là đứa cứng đầu, nó đã quyết, có trời cũng không cản được.
Ảnh minh họa |
Nếu bạn cũng đang ở trong tình cảnh như bạn tôi, mong bạn hiểu rằng thực ra điều bố mẹ cần nhất chính là chúng ta sống vui và sống có ích, chứ không phải là giá trị của những món quà Tết hay khoản tiền biếu Tết.
Kể cả năm nay, bạn chỉ biếu bố mẹ được 500k/người, điều này nghe hơi buồn thật, nhưng cũng có gì đáng xấu hổ đâu, khi chúng ta không ăn chơi trác tác, không tiêu tiền vô tội vạ để rồi thành ra nợ nần, không có tiền biếu Tết bố mẹ. Chúng ta vẫn đang rất cố gắng làm việc, kiếm tiền để làm người có ích cơ mà, đúng không?
Nếu tự tin đưa ra một lời khẳng định cho câu hỏi phía trên, thì tin tôi đi, không có gì phải cảm thấy xấu hổ, hay tự cho mình là kẻ thất bại chỉ vì một cái Tết mà tiền biếu bố mẹ có phần thấp hơn những năm trước.
Hãy cho phép mình được "thở phào" một cái, vì chí ít, bản thân vẫn đang có việc làm, có thu nhập để bố mẹ không phải lo ngay ngáy rằng mình không thể tự lập. Còn tiền biếu Tết phụ huynh ấy à, nếu bạn vẫn cảm thấy áp lực và bế tắc quá, mong bạn còn đủ tỉnh táo để nhận ra sự thật này: Câu hỏi mà bố mẹ dành cho chúng ta những ngày cận Tết luôn là "Thế mùng mấy con về?", chứ không phải là "Con lì xì bố mẹ bao nhiêu tiền?".
Người mẹ "lòng đau như cắt" sau khi nghe 1 câu hỏi từ con: Hóa ra lâu nay con đã chịu nhiều áp lực đến thế!
Đừng biến con thành những "đứa trẻ che giấu áp lực".