Hết Tết, cúc vạn thọ trở thành món ăn, từ trộn gỏi cho đến nấu mì

Sau trend mỳ tôm thanh long, dân mạng lại đua nhau thử món mì tôm ăn cùng bông vạn thọ.

Nấu mì với cúc vạn thọ

Dù Tết đã qua được nhiều ngày nhưng chắc hẳn không khí mùa Tết vẫn còn vương vấn ở nhiều nhà. Từ món bánh chưng xanh, khoanh giò được chế biến đủ kiểu cho đến những cành đào, bông vạn thọ cũng được nhiều gia đình đã tìm cách để "xử lý".

Thay vì đem bỏ, những bông hoa cúc này lại trở thành "topping" ăn kèm với món mì tôm của cư dân mạng.

Với bước chế biến đơn giản, chỉ cần hái những bông nhỏ còn non, nụ hoa chưa nở hết sau đó đem rửa với nước thật sạch. Cuối cùng là nấu hoa cùng mì tôm trong nước sôi và thưởng thức.

Nhiều Tiktoker thận trọng nhắc nhở rằng hoa trong những chậu vạn thọ được mua sẵn bên ngoài luôn có nguy cơ tồn dư chất kích thích cũng như các hóa chất bảo vệ thực vật khác nên để hưởng ứng trào lưu này, cư dân mạng chỉ nên dùng những bông vạn thọ nhà trồng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hết Tết, cúc vạn thọ trở thành món ăn, từ trộn gỏi cho đến nấu mì- Ảnh 1.

Hết Tết, cúc vạn thọ trở thành món ăn, từ trộn gỏi cho đến nấu mì- Ảnh 2.

Trend ăn bông vạn thọ cùng mì tôm rầm rộ trên TikTok. Ảnh chụp màn hình

Dù đang là món "hot trend" trên mạng xã hội thế nhưng rất nhiều người bày tỏ sự kinh ngạc khi bông cúc vạn thọ cũng có thể ăn được vì bông vạn thọ có mùi rất hăng, khó ngửi. 

"Lần đầu tiên tôi nghe nói bông cúc vạn thọ ăn được, nghĩ đã thấy mùi hăng xộc lên tận óc rồi"; "Mình ngửi mùi đã thấy hăng lắm rồi, chỉ chần qua nước sôi sao mà hết hăng được nhỉ"; "Bông vạn thọ hôi kinh khủng, nhà tôi trồng cả đống mà không bao giờ dám ngửi", hàng loạt bình luận trên TikTok. 

Tuy nhiên, các món ăn với bông vạn thọ không phải xuất hiện gần đây. Cúc vạn thọ vốn là loài hoa đặc trưng trong dịp Tết của người dân miền Tây sông nước. Trong ký ức của nhiều người lớn tuổi miền Nam, đây lại là món ăn tuổi thơ. Từ lâu, nó đã được dùng làm gỏi, nấu canh.

Thực tế, hoa vạn thọ có thể ăn được cả hoa và lá. Bông vạn thọ có vị đắng nhẹ, nếu quen thì dùng ăn như rau rất ngon miệng. Phần lớn, mọi người sẽ hái lá hoặc đọt non của cây vạn thọ để trộn bóp gỏi, ăn lẩu, một số dùng như rau thơm ăn cùng các loại cuốn bởi lá vạn thọ có mùi thơm nồng, cay cay. 

Những công dụng của cúc vạn thọ

Theo Đông y, cúc vạn thọ có vị đắng, mùi thơm, tính mát, hơi cay. Nó có tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, trị ho. Thân cây có tác dụng thông khí, trị ho. Lá làm mát phổi, gan, giải nhiệt. Còn hoa thanh tâm, giáng hỏa, tiêu đờm. Tức là làm phát phần ngực, tiêu đờm ứ.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), toàn cây và hoa được cho là có tác dụng bình can, tiềm dương, thanh nhiệt giải độc, chỉ khái hóa đàm, khu trong trừ thấp, bổ huyết. Tức là giúp làm mát cơ thể, trị phần đàm ứ trệ bên trong và bổ phần huyết.

Theo các nghiên cứu gần đây, cúc vạn thọ cực kỳ có lợi cho sức khỏe do đặc tính chống viêm và chống oxy hóa dưới dạng flavonoid và carotenoids. Các cánh hoa cũng có nhiều chất chống oxy hóa và các acid béo như acid calendric và acid linoleic. Lá của cúc vạn thọ chứa lutein và beta-carotene, có chức năng chống oxy hóa mạnh mẽ.

Hết Tết, cúc vạn thọ trở thành món ăn, từ trộn gỏi cho đến nấu mì- Ảnh 3.

Cúc vạn thọ còn thể hiện tác dụng kháng khuẩn. Người ta thấy, flavonoid, patulitrin từ hoa có tác dụng ức chế nhiều vi khuẩn gây bệnh thường gặp như Escherchia coli, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, … Tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn này giúp giải thích kinh nghiệm sử dụng loại hoa này trong điều trị các bệnh viêm nhiễm.

Trên các mô hình thí nghiệm, người ta thấy ác thành phần từ Cúc vạn thọ còn thể hiện tác dụng bảo vệ thần kinh. Nó tác động làm chậm lão hóa và giảm độc tính của β-amyloid, đây là cơ chế trong các bệnh sa sút trí tuệ.

Bên cạnh công dụng trong trị bệnh, người ta còn thấy thành phần tinh dầu trong Cúc vạn thọ có thể chống lại cỏ dại, sâu bệnh. Điều này thể hiện tiềm năng sản xuất thuốc diệt cỏ, trừ sâu hại từ tự nhiên, giảm được sử thuốc hóa học trong nông nghiệp.

TÚC (tổng hợp)