Hội chứng “Tim ngày lễ” và những điều bạn cần biết

Thuật ngữ ra đời khi các nhà nghiên cứu nhận thấy số ca cấp cứu bệnh tim tăng mạnh vào kỳ nghỉ lễ.

Những ngày cuối năm là dịp tổ chức nhiều bữa tiệc, ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Bỗng nhiên bạn cảm thấy tim đập nhanh bất thường, chóng mặt và khó thở đến mức cảm thấy muốn nhập viện cấp cứu. Đây là những triệu chứng điển hình của một hội chứng thường thấy vào thời gian này, hội chứng “tim ngày lễ”.

Hội chứng “Tim ngày lễ” và những điều bạn cần biết

Được nhận diện lần đầu vào năm 1978, bác sĩ Philip Ettinger nhận thấy một số bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim nhưng phải đến bệnh viện vì bị rối loạn nhịp tim sau khi uống rượu. Ông gọi hội chứng này là “holiday heart syndrome” (tạm dịch: hội chứng tim ngày lễ) bởi thường xảy ra nhiều vào cuối tuần, đặc biệt vào lễ tết, Giáng sinh và năm mới.

Theo chuyên gia tim mạch, những vấn đề về rối loạn nhịp tim này có mối liên hệ với việc uống bia rượu quá nhiều và ăn uống không kiểm soát trong các bữa tiệc của kỳ nghỉ. Lượng muối trong thức ăn và đồ uống có cồn sẽ khiến tim bạn đập không đều. Tình trạng này thường được gọi là bệnh rung nhĩ, hoặc bệnh rung tâm nhĩ (AFib). Cơn rung này thường sẽ tái lập lại nhịp xoang sau 24 giờ. Hội chứng “tim ngày lễ” thường được chẩn đoán ở những người rung nhĩ mới mắc mà không có bệnh tim.

Bác sĩ tim mạch Nick West khuyến cáo việc uống rượu quá mức trong thời gian dài sẽ gây hại cho hệ thống tim mạch nói riêng và sức khỏe nói chung, dẫn đến ức chế hệ thống miễn dịch, gây ra bệnh gan và cuối cùng là suy gan, tổn thương cơ tim dẫn đến suy tim và rối loạn nhịp tim, thậm chí là ung thư.

Nếu bạn gặp phải tình trạng tim đập mạnh và nhanh, đặc trưng là cảm giác đập thình thịch, run rẩy, hoặc đua nhanh trong lồng ngực, thiếu năng lượng và mệt mỏi quá mức, chóng mặt, choáng váng, khó thở, đau ngực... ngay cả khi thực hiện các hoạt động bình thường hoặc lúc nghỉ ngơi, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ vì rất có thể bạn đã mắc phải hội chứng tim ngày lễ.

Đặc biệt những người có các yếu tố nguy cơ về tim chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường, mức cholesterol cao hoặc là người hút thuốc dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.

Để hạn chế nguy cơ mắc hội chứng “tim ngày lễ”, các chuyên gia khuyên bạn nên:

1. Hạn chế uống rượu, bia

Uống quá nhiều rượu có thể gây đánh trống ngực và gây ra một số tình trạng về nhịp tim, chẳng hạn như rung tâm nhĩ có thể dẫn đến đột quỵ. Trong những trường hợp bất khả kháng thì nên uống một lượng nhỏ và không nên uống quá thường xuyên.

Hội chứng “Tim ngày lễ” và những điều bạn cần biết

2. Tránh ăn quá nhiều đồ ăn mặn hoặc đồ ăn chứa nhiều chất béo

Hãy chọn ăn thịt nạc, tăng cường các món rau xanh, trái cây và tránh chất béo bão hòa, quá nhiều dầu và muối. Tránh ăn quá nhiều, quá no, đặc biệt là nhiều chất béo, đồ chiên rán. Tránh thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn. Dành thời gian tham khảo các nhà hàng, quán ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với nguyên liệu tươi nhất có thể.

Tránh ăn vặt giữa các bữa ăn nếu có thể vì điều này có thể gây tăng cân và làm mất cảm giác thèm ăn trong bữa ăn chính. Nếu có nhu cầu ăn nhẹ, cần chọn những đồ ăn lành mạnh như các loại hạt, cà rốt hoặc trái cây tươi. Tránh thực phẩm giàu carbs hoặc đường chế biến giữa các bữa ăn.

3. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc

Các đồ uống có đường, soda và rượu gây tình trạng mất nước có hại cho cơ thể. Hãy giúp cơ thể đủ nước bằng cách uống nước thường xuyên, đặc biệt nếu đi du lịch ở những vùng thời tiết nắng nóng.

Nên uống nhiều nước trong những ngày trước khi bắt đầu chuyến du lịch và trong suốt chuyến đi. Luôn mang theo một chai/ bình đựng nước và đổ đầy nước ở nơi nào có thể. Đây là một thói quen tốt cần tập, vì nó hoạt động như một lời nhắc nhở mang theo chai nước đầy của bạn và uống mọi lúc mọi nơi. Cũng nên nhớ uống chút nước trước khi đi ngủ.

4. Tập thể dục đều đặn, thư giãn, tránh căng thẳng

Việc duy trì hoạt động trong kỳ nghỉ giúp cơ thể bạn phục hồi dễ dàng hơn sau một bữa ăn thịnh soạn và giúp giảm căng thẳng. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Những cách sáng tạo để duy trì hoạt động trong thời gian nghỉ ngơi bao gồm đi dạo cùng gia đình giữa bữa tối và món tráng miệng hoặc tham gia các hoạt động thể chất vui nhộn ngoài trời, trên bãi biển với người thân và bạn bè.

TM

Tim ghép lưu giữ ký ức người hiến, bí ẩn y học đã có lời giải thích?

Tim ghép lưu giữ ký ức người hiến, bí ẩn y học đã có lời giải thích?

Một số bệnh nhân ghép tim cho biết trái tim mới của họ có những ký ức của người hiến tặng